28/3/14

Lịch sử trường La San Khánh Hưng Sóc Trăng

Năm 1913, linh mục Philibert Brun, một thừa sai đang phục vụ tại vùng Sóc Trăng đã gặp Sư huynh Ivarch Louis mời các sư huynh La San đến mở trường tại Sóc Trăng
Mời quý vị đọc đôi nét lịch sử trường thánh Phaxicô Xaviê Sóc Trăng hay còn gọi là trường La San Khánh Hưng.


TRƯỜNG THÁNH PHANXICÔ XAVIE SÓC TRĂNG
(TRƯỜNG LA SAN KHÁNH HƯNG)

Năm 1913, linh mục Philibert Brun, một thừa sai đang phục vụ tại vùng Sóc Trăng đã gặp Sư huynh Ivarch Louis mời các sư huynh La San đến mở trường tại Sóc Trăng. Theo thỏa thuận bằng một khế ước vào ngày 25/12/1913, linh mục trao cho các sư huynh La San tiếp nhận và điều hành một trường học của họ đạo.


Thửa đất này có diện tích chừng 1,2 mẫu, dọc bên con lộ từ Sóc Trăng đi Đại Ngãi, không cách xa nhà thờ họ đạo bao nhiêu. Trên thửa đất, linh mục Philibert Brun đã xây dựng các khu nhà mái lá vách ván. Các Sư huynh lo dạy dỗ và điều hành trường, còn linh mục sẽ tiếp tục bảo trì.
Tại trường thánh Phanxicô Xavie (dân chúng thường gọi là “Taberd Sóc Trăng”), các sư huynh chăm lo việc dạy dỗ kiến thức và giáo lý cho các trẻ công giáo trong giáo xứ. Các học sinh đến đăng ký học phải qua sự giới thiệu của cha sở, và theo sự giới thiệu về gia cảnh của cha xứ mà các em được miễn học phí hoàn toàn hay giảm học phí. Hàng năm cha sở sẽ hỗ trợ thêm cho trường số tiền là 300$.

Vào ngày 20/03/1917, qua một khế ước mới được ký với Sư huynh Giám Tỉnh Albin Camille, Đức Giám Mục Bouchut, đại diện Tông toà Phnom-Pênh đã trao cho các Sư huynh quyền sử dụng trường học, tuy nhiên đất vẫn thuộc quyền ưu tiên sở đắc của họ đạo Sóc Trăng. Sư huynh điều hành trường sẽ được hưởng thù lao của họ đạo là 150,00$/năm. Các chi phí xây dựng, bảo quản, tu bổ cho trường học sẽ được họ đạo đảm trách. Ngoài việc dạy học, các sư huynh sẽ đảm trách việc tổ chức ca đoàn để hát lễ ngày Chúa nhật và lễ sinh.

Năm 1946, sau hơn 30 năm phục vụ giáo dục tại Sóc Trăng (1917-1946), nhiều đổi thay của xã hội cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức trường học và các sinh hoạt khác liên quan đến các đời sống sư huynh và họ đạo. Vào ngày 01/12/1946, linh mục Keller, cha sở họ đạo Sóc Trăng và Sư huynh Domicé-Rogatien, Giám tỉnh Đông Dương đồng thuận qua bản khế ước, theo đó họ đạo bán hẳn khu đất trường học cho các sư huynh và hiến tặng hoàn toàn các cơ sở trên khu đất mà họ đạo xây dựng trước đây cho các sư huynh; các sư huynh sẽ dạy miễn phí cho 1/10 sĩ số học sinh nghèo trong họ đạo. Trong trường học, các sư huynh, một cách độc lập, tổ chức các chương trình học cũng như giáo dục tôn giáo theo tôn chỉ và phương pháp sư phạm của Nhà Dòng, các sinh hoạt tôn giáo trong họ đạo không buộc các sư huynh phải tham dự nếu bị ngăn trở bởi những phận vụ riêng của mình theo giáo luật và luật riêng của Dòng La San, các linh mục trong họ đạo sẽ đảm trách việc giải tội cho học sinh 2 tháng một lần.

Kỳ hè 1952, theo gợi ý của Sư huynh Giám Tỉnh Cyprien Gẫm Trần Văn Thiên, trường mở thêm đệ thất (sixième moderne) vào năm học mới. Nhiều phụ huynh đã đăng ký ghi danh cho con em họ vào học lớp đệ thất theo chương trình mới (classe sixième moderne), cả nội trú lẫn ngoại trú. Tổng số học sinh năm ấy là 520 em, trong đó có tất cả 130 học sinh nội trú. Đây là một con số đặc biệt cao nhất đạt được từ những năm sau 1945. Để đón học sinh, các sư huynh đã sửa chữa lại nhà ngủ, sắp xếp và trang bị lại phòng ốc. Sau khi khai giảng, các sư huynh tiếp tục làm cổng lớn và dãy nhà vệ sinh.

Năm học 1954, các sư huynh áp dụng chương trình Việt vào lớp đệ thất. Các phong trào được phát động và tổ chức trong trường như phong trào Hùng Tâm, phong trào Thánh Thể, chính các phong trào này mang lại những hoạt động thể thao, văn nghệ sôi nổi và hứng thú trong những dịp mừng lễ của trường. Trường cũng được vinh dự đón tiếp Đức Giám Mục Phnom Pênh và Tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1966, các sư huynh trường La San Khánh Hưng[1] (Tên gọi mới của trường Thánh Phanxicô Xavie, không biết đổi tên từ lúc nào?) mừng kỷ niệm Đệ Nhất Bách Chu Niên các Sư Huynh La San phục vụ giáo dục trên đất Việt. Nhân dịp này, các Sư huynh trường La San Khánh Hưng đã khánh thành một trường Tiểu học miễn phí tại Bải Xàu (cách thị xã khoảng 3 km, nằm hướng đông nam của Sóc Trăng, phía bên trái đường về Bạc Liêu, ngang tầm với Sài Ca Nã).

Năm 1967, với sự ưng thuận và cho phép của cấp lãnh đạo Dòng cũng như của hàng giáo phẩm, La San Khánh Hưng đã cho mở hai lớp học “liên giới” nam nữ ở ban trung học đệ nhị cấp: đệ tam và đệ nhị. Các sư huynh cũng có sáng kiến là mời gọi sự cộng tác của các dì Mến Thánh Giá Sóc Trăng dạy trong các lớp ban tiểu học. Đồng thời các sư huynh trao cho các dì Mến Thánh Giá việc điều hành trường La San Nghĩa thục tại Bải Xàu dưới sự chỉ đạo của Sư huynh hiệu trưởng.

[…]

Năm 1975, miền Nam “được giải phóng”, Đảng Cộng Sản cầm quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, theo chính sách và đường lối về giáo dục nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, trường vẫn hoạt động và khai giảng năm học 1975 – 1976. Trường La San Khánh Hưng được đổi thành “Trường Phổ Thông Cấp 3 Sóc Trăng”… Sân trường phía trước cổng không còn thấy tượng thánh Gioan La San, mà chỉ còn cái bệ thôi. Các sư huynh vẫn hiện diện trong trường, nhưng không mang áo dòng đi dạy như trước nữa.

Sau gần một năm thống nhất hai miền Nam Bắc, ngày 19/3/1976, cán bộ cách mạng đến sau tiết học đầu tiên, tập trung thầy cô giáo và học sinh lại ở nhà chơi (préau), đọc tuyên cáo tịch thu toàn bộ tài sản nhà trường và từ nay thuộc quyền quản lý của nhà nước. Sư huynh Hiệu trưởng bị khai trừ khỏi ngành giáo dục và bị còng tay như một tội phạm, đưa đi trước mặt các sư huynh, thầy cô và học sinh của trường. Các sư huynh khác bị trục xuất ra khỏi trường, chỉ còn hai sư huynh già là Sư huynh René và Sư huynh Marcel không bị trục xuất, nhưng rất bơ vơ, vì bề trên và anh em chẳng còn ai. Sau này nhà dòng đã đưa hai sư huynh ấy về La San Mai Thôn, Sài Gòn. Các sư huynh tản mác đến trú ngụ nơi nhà các học trò, không liên lạc được với nhà dòng, họ phải nương tựa vào gia đình học sinh và phải làm đủ nghề để có thể sinh sống.[2]

Cộng đoàn các Sư Huynh La San Khánh Hưng tại Sóc Trăng bị tan tác!... Cơ sở vật chất, trường lớp cũng sang ngang đổi chủ!...

Chỉ còn lại hoa trái La San đã gieo trồng nơi vùng đất miền Tây xa xôi này hơn nửa thế kỷ qua!... Đó là tâm tình biết ơn chân thành của những cựu học sinh trường La San Khánh Hưng khi nói về trường và về quý sư huynh thân yêu của mình:

“Trường xưa còn đó mà thầy cũ nay đâu rồi!”

“Tôi luôn hãnh diện và mang ơn quý SƯ HUYNH kính yêu đã dạy dỗ tôi nên người và cho tôi có một cuộc sống tốt đẹp như hôm nay!...”

[1] La San Khánh Hưng là tên gọi mới của trường Thánh Phanxicô Xaviê. Trong giấy tờ học sinh vào năm 1962 đã ghi là trường La San Khánh Hưng. Tuy nhiên không biết đổi tên từ lúc nào?...

[2] Ghi lại theo hồi ức của cựu học sinh Quách Hớn Diệu và cựu sư huynh Trần Đình Tú.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét