28/3/14

Trường thánh Tôma (Saint Thomas d’Aquin) Nam Định - 1924

Trường Sư Phạm Nam Định lấy tên là trường Thánh Tôma được thành lập năm 1924 do sáng kiến của Đức cha Munagori, Giám mục Tông tòa của địa phận (Tây Ban Nha) Bùi Chu
Mời quý vị đọc lại lịch sử hình thành trường thánh Toma Nam Đình.


Trường thánh Tôma (Saint Thomas d’Aquin) Nam Định - 1924[1]

Trường Sư Phạm Nam Định lấy tên là trường Thánh Tôma được thành lập năm 1924 do sáng kiến của Đức cha Munagori, Giám mục Tông tòa của địa phận (Tây Ban Nha) Bùi Chu. Tất cả các Giám mục miền Bắc đều cậy nhờ các Sư Huynh Trường Kitô[2] điều khiển trường ấy. Ngày 25/07/1924, các sư huynh đã đến trường và được cha Andrès đón tiến nồng hậu. Ngày 29/08/1924, Sư huynh Giám tỉnh Aglibert-Marie đến để làm nghi thức bổ nhiệm Sư huynh Donatien-Régis làm Huynh trưởng cộng đoàn Trường St. Thomas. Ngày hôm sau, Đức cha Munagorri đến làm phép long trọng ngôi trường mới. Ngày 01/09/1924, Đức cha đến dâng thánh lễ tại nhà nguyện và sau đó có nhiều nhân vật quan trọng đến thăm viếng trường: Đức cha Gendreau của Hà Nội, Đức cha phụ tá Coeman của Phát Diệm, Đức cha Eloy của Vinh, ông Tổng đốc của thành Nam Định v/v …
 

Mục đích ban đầu của trường là giảng dạy chương trình thi lấy bằng tiểu học và cao đẳng tiểu học nhằm đào tạo những giáo viên Công giáo cho các trường đạo. Tất cả các giáo sinh sư phạm đều nhận học bổng và được các địa phận miền Bắc gởi đến. Trình độ học lực không vượt quá chương trình thi lấy bằng tiểu học Việt Pháp[3]. Mỗi học sinh mỗi năm chỉ tốn hơn 100 bạc. Tiền này phải quyên trong xứ và thiếu hụt bao nhiêu thì địa phận phải thanh toán với các sư huynh. Các Giám mục cũng bắt các xứ đã có trường và có thầy giáo dạy gửi một số học sinh vào trường Sư Phạm Nam Định, vì các ngài biết chính phủ bảo hộ sẽ ra luật cấm những người không có bằng cấp ngồi ghế giáo sư ở trường tư hoặc trường công.

Các giáo sinh vào trường Sư Phạm Nam Định sau khi mãn trường và thi đỗ phải đi dạy trong các trường địa phận ít ra 10 năm, nên trước khi vào trường Sư Phạm phụ huynh học sinh và chính cả học sinh phải làm giấy cam đoan. Về sau, khi đã học ít lâu, nếu bỏ nửa chừng không chịu dạy trường địa phận đủ 10 năm, sẽ buộc mình bù lại các phí tổn nhà chung hay nhà xứ đã phải chịu cho ăn học, hoặc chỉ dạy một hay hai năm mà thôi, trong 10 phần phí tổn sẽ phải đền chín phần học tám phần.v.v… Nhưng khi không dạy đủ 10 năm hay là học được đến lúc thi đỗ vì ốm đau hay vì một lý do chính đáng, trong trường hợp này cha mẹ cũng như học sinh chẳng phải đền bồi khoản nào cả.

Cuối năm 1924, trường Sư Phạm Nam Định được đặt dưới sự lãnh đạo của Sư huynh Donatien, trường gồm có 200 học sinh. Kết thúc niên học 1924-1925 với kết quả thi cử tốt đẹp: tất cả đều đậu văn bằng C.E.E.I. [4] Sau này, vào năm 1931, học sinh bên lương mới khởi sự được nhận vào học.


Trường hoạt động đến năm 1941.





[1] Tham khảo tài liệu của Lm Phan Phát Hườn, Việt Nam Giáo Sử, Quyển I. Xuất bản tại Sài Gòn (1965), trang 385. Và từ bài báo về “Các Sư Huynh Trường Kitô tại Đông Dương”, 1949, do Sh. Gustave Diệp Tuấn Đức sưu tập, biên soạn và trình bày vào 3/2013)
[2] Tác giả viết là “Sư Huynh Trường Thiện Giáo”. Trích Thư chung địa phận Tây Đàng Ngoài quyển thứ II. Kẻ Sở. 1924, trang 447
[3] Certificat d’études primaire franco-indigène.
[4] Tham chiếu B.M.E.P. 5-1925 trang 306

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét