GIAI ĐOẠN CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN (1890 – 1950)
HAI TRƯỜNG LA SAN TABERD VÀ PUGINIER
Trường La San Taberd – Sài gòn
Năm 1883, Sư huynh Idinaelis hết sức khiêm tốn và kín đáo nói: “Đức Cha Colombert và các linh mục thừa sai có vẻ rất lấy làm tiếc vì chúng ta ra đi”. Đó là điều không thể nghi ngờ, và sự nuối tiếc ngày càng thêm sâu sắc.
Sau khi các Sư huynh La San ra đi, thì các gia đình Công giáo gửi con em họ cho Trường có tên là Institution Taberd, do cha Juhel des Isles de Kerlan mở tại Sài Gòn vào năm 1873 để nuôi và giáo dục các đứa con tây lai bị bỏ rơi. Tên trường Taberd là để tưởng nhớ Đức cha Taberd, Giám mục Nam kỳ từ 1830 đến 1840. Nhưng rồi học sinh quá đông, các cha nghĩ tới nhờ các Sư huynh La San.
Năm 1885, Cha Le Mée, cha sở Nhà thờ lớn Sài Gòn, lúc còn ở Pháp, tuyên úy cho các Sư huynh tại Les Francs-Bourgeois và là bạn thân của Sư huynh Tổng quyền Joseph được chọn gửi đến liên lạc và xin Trung Ương Dòng gửi các Sư huynh đến Sài Gòn giúp. Sư huynh Tổng quyền Joseph đã sẵn sàng cho các Sư huynh trở lại Sài Gòn. Hai người đã trao đổi thư từ trong sự tin cậy lẫn nhau. Nên Nhà Trung Ương đã mở rộng cửa đón vị khách cầu ân và vị lãnh đạo Dòng hết lòng mong muốn đáp lại nguyện vọng của hàng giáo sĩ sở tại qua vị đại diện này. Qua linh mục Le Mée, hàng giáo sĩ tại Nam Kỳ mong muốn trao cơ sở từ thiện được đặt tên là Trường Taberd cho các Sư huynh điều khiển.
Tuy nhiên cũng cần phải đợi một thời gian để tìm chọn các Sư huynh thừa sai hầu có thể bảo đảm cho tương lai của công cuộc. Sư huynh Ivarch Louis, đang làm Hiệu trưởng Trường St Benedicto ở Colombo, nghe được tin này, liền viết thư xin tình nguyện về lại Sài Gòn. Sư huynh Ivarch-Louis, một trong những Sư huynh đầu tiên đến dạy học tại trường Collège d'Adran tại Nam Kỳ và đã giữ chức hiệu trưởng cho đến khi trường bị đóng cửa, lúc ấy hết làm hiệu trưởng ở Hồng Kông đang được bổ nhiệm đến nhận chức hiệu trưởng cộng đoàn Saint-Benedict ở Colombo, biết được dự tính của Sư huynh Tổng Quyền Joseph, đã tuyên bố sẵn sàng trở lại Nam Kỳ, Việt Nam.
Sự tự nguyện này được các Sư huynh cấp Trung Ương nhiệt liệt hoan nghênh. Sư huynh được triệu hồi về Pháp và được lệnh kêu gọi tập hợp đủ thành viên cho cộng đoàn tương lai ở Sài Gòn. Là người có đủ uy tín và khả năng cần thiết để hoàn thành tốt việc này, Sư huynh Ivarch-Louis đã “chiêu mộ” được chín (09) Sư huynh sẵn sàng theo ngài.
Tháng 10, 1889, họ đáp tàu ra đi ở Marseille. Một Sư huynh đi trong nhóm viết: “Chúng tôi rất lấy làm hãnh diện được vị trưởng nhóm có râu và dễ thương này dẫn dắt. Sư huynh đối xử với chúng tôi như một người cha hiền từ. Tính tình Sư huynh vui vẻ làm mọi người hết lo âu phiền muộn”. Sau hải trình dài 28 ngày, họ tới Sài Gòn. Dân chúng, phụ huynh, cựu học sinh ra đón rất đông. Đức Cha Colombert, Vị Đại Diện Tông Tòa miền Nam (1838-1894) và các Linh mục Sài Gòn và lân cận tổ chức lễ mừng các Sư huynh đã trở lại sau 6 năm phải tạm vắng, mở đầu cho thời kỳ hiện diện mới.
Tháng 1 năm 1890, các linh mục trao Trường Taberd cho các Sư huynh. Số học sinh là 160 em, với chừng một nửa học sinh là nội trú. Qua niên khóa sau phải bổ nhiệm thêm 5 Sư huynh về Taberd rồi mở thêm một Trường miễn phí ngay trong khu Taberd và một Trường nhánh tại Vũng Tàu.
Nhận thấy tài năng và sự thành công của các Sư huynh, ngày 28/07/1894, Địa phận ký thỏa hiệp thực sự về Trường Taberd, giữa hai bên Sư huynh Giám tỉnh Abban và Đức cha Colombert. Lương bổng của mỗi Sư huynh là 1500 F. Có điều khoản này hơi thú vị:
1. Vì cần phải mở Tập viện và nuôi Tập sinh, các Sư huynh người Việt cũng được lương bằng các Sư huynh người Pháp nếu có Brevet và với điều kiện là không được có hơn một người Việt cho 2 người Pháp.
2. Một vài Sư huynh Việt không có bằng Brevet nhưng có khả năng thì được lãnh lương 1000 F.
Lãnh vực hoạt động mới này phát triển tốt và những học sinh từ những tầng lớp dân chúng khác nhau đến học đông đúc đến nỗi phải xây thêm một tòa nhà lớn có 2 lầu với hành lang rộng thênh thang: trường nhận 344 học sinh, trong đó có 252 nội trú, 54 bán trú và 38 học sinh ngoại trú. Những đứa trẻ, người bản xứ, người Hoa, người Pháp và con lai đều chăm học để dọn các kỳ thi lấy bằng Tiểu học (Certificat d'Etudes), bằng trung học cấp 2 (Brevet), dự kỳ thi tuyển vào các trường Cao Đẳng (Ecoles Supérieures) của nhà nước. Những quan chức Pháp và các vị Toàn Quyền, sau khi đã đến thăm trường và thử sức các học sinh ở các lớp, đều tuyên dương công trạng của các giáo viên.
Trường Taberd đã có nhiều cựu học sinh trong các công sở và các xí nghiệp tư. Nhiều người trong số họ đã nắm giữ những chức vụ chỉ huy và được tin cẩn. Vào tháng 12/1897, 400 học sinh của trường đã long trọng nghênh tiếp Hoàng Đế nước Việt Nam.[1]
Trường Taberd vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
Trường Taberd được xem là bước khởi đầu, mở ra một thời kỳ quan trọng mới trong quá trình các Sư huynh La San dấn thân vào cánh đồng truyền giáo Việt Nam.
Trải qua hơn 100 năm hoạt động trong từng giai đoạn của lịch sử các sư huynh đã kiên vững trong ơn gọi và sứ mạng giáo dục của mình để tổ chức và điều hành trường La San Taberd. Vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập trường (1974), Sư huynh Felicien Huỳnh Công Lương, Hiệu trưởng trường Taberd phát biểu như sau:[2]
[…] Các khó khăn và hạn chế gắt gao nền tư thục trải qua tại Pháp vào năm 1901 cũng ảnh hưởng sâu xa tới các thuộc địa. Thật vậy năm 1904 các học sinh Taberd bị mất học bổng nếu không chuyển qua trường công. Sư Huynh Hiệu Trưởng hết là hội viên Ban Giám Khảo các kỳ thi chính thức.
Năm 1941 Quân Đội Nhật khai chiến với Hoa Kỳ và xung công trường Taberd làm bệnh viện. Trong suốt một tuần, các Sư Huynh ngày đêm phải chuyển tất cả đồ vật của 70 năm tròn sang gởi tại Chủng Viện đại lộ Cường Để. Trường Taberd tạm dời sang những dãy nhà trệt tọa lạc tại thửa đất trống, đại lộ Thống Nhất do Toàn Quyền Decoux ra lệnh xây.
Tượng Thánh Gioan La San |
Năm 1954 trường Taberd đã mở rộng cửa đón tiếp hơn 1.200 gia đình di cư sau hiệp định Genève, và sau Tết Mậu Thân trường cũng là nơi tạm trú của các gia đình vùng ngoại ô tới lánh nạn. Trong những năm chiến cuộc sôi động Taberd cũng không tránh khỏi những rủi ro và tàn phá của chiến tranh […] gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất.
Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, các sư huynh đã áp dụng các đường lối sư phạm của thánh Gioan La San (Jean-Baptiste De La Salle) đặt ra, là chú trọng đến việc giáo dục phát triển các phần: Trí dục, đức dục và thể dục. Trong trường có sân bóng chuyền và bóng rổ, cùng các bàn bóng bàn trong phòng thể thao để học sinh tập luyện. Nhờ đó, sau này, từ nơi đây đã gây niềm hứng thú thể thao và góp phần tạo dựng các vận động viên danh tiếng sau này như Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được... Niên khóa 1973-1974, trường có 115 lớp, 7464 học sinh [3].
(Trích trong kỷ yếu năm 1974 – Kỷ niệm Đệ Nhất Bách Chu Niên La San Taberd)
Ngoài ra, trường còn chú ý hướng dẫn học sinh làm việc thiện và hiểu biết đời sống người nghèo. Trong những năm đầu thập niên 1970, học sinh Taberd các lớp 9 và 10 hàng tuần được hướng dẫn đi thăm viếng các khu lao động nghèo, hớt tóc cho các em nhỏ và phát thuốc cho những người đến khám bệnh ở những trạm chẩn bệnh miễn phí, theo toa các bác sĩ và các sinh viên y khoa. Học sinh cũng được dạy học thêm nghề như như chụp hình, rửa ảnh, sửa radio...[4]
Sau năm 1975, do chính sách quốc hữu hóa giáo dục, tất cả các trường La San bị nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa trưng dụng. Trường La San Taberd bị ngưng hoạt động năm 1976. Cơ sở trường được dùng mở trường Trung Học Sư Phạm và rồi chuyển thành trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa[5].
Một lớp học tại trường Taberd xưa
Các lớp học của các sư huynh tại trường Taberd
Giờ thể dục và học sinh xếp hàng ra về
[1] Đây là Vua Thành Thái, lên ngôi năm 1888, thoái vị năm 1907. (GCCND)
AMG, ID 06, ghi chép của SH. Ivarch-Louis (1899) – Tuyển tập Tiểu sử các sư huynh qua đời, Tập II, trg. 443- - BEC số tháng 5, 1908, trang 148-152 và số tháng 7, 1935, trang 231 (xem LTT, Lược Sử Tỉnh Dòng La San Việt Nam – 2002)
[2] Vài dòng Lịch sử. Nguồn http://www.taberd.org/tb/lich_su.html
[3] ibid
[4] ibid
[5] Ibid
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét