18/1/14

Trường Puginier Hà Nội



GIAI ĐOẠN CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN (1890 – 1950)
HAI TRƯỜNG LA SAN TABERD VÀ PUGINIER


Trường Puginier[1],  Hà Nội[2](1897 – 1954)
Một Dấu Ấn Của La San Trên Đất Thần Kinh Bắc Kỳ
Ngày 20-5-1894, Sư huynh Ivarch-Louis, lúc ấy đang có mặt ở Hồng Kông, cạnh Sư huynh Giám tỉnh Abban, viết bức thư về nhà Trung ương: “Chúng tôi phải mở rộng một trường học ở Bắc kỳ, dù chỉ gồm có 3 hoặc 4 sư huynh, cốt là để giữ lấy đất”.
Và Sư huynh giải thích rằng “ngay khi các sư huynh trở lại Nam kỳ, Đức Cha Puginier - người còn để lại tiếng thơm - đã điều đình với Đức Giám Mục Saigon” để Dòng La San được bố trí ra Hà nội. “Đức Cha chuẩn bị gởi thơ” cho Sư huynh Tổng quyền, “không ngờ Ngài đột ngột qua đời trong sự tiếc rẻ của Hội Thừa Sai và các công trình thân yêu” (tháng 4/1892).
Vị Giám mục phó của Đức cha Puginier, Đức Cha Gendreau, vừa nhậm chức kế vị, đã nối lại cuộc điều đình. Linh Mục Tổng đại diện của ngài đã biên thơ cho Sư huynh Louis, mời Sư huynh nêu các điều kiện để có thể đi đến một thỏa thuận. Phải nói là lúc ấy xứ Bắc kỳ chưa đủ an ninh. Mặt khác, số tu sĩ La San vừa sát nút với công việc đang làm. Cho nên Sư huynh Hiệu trưởng Taberd đáp thư xin nhẫn nại đợi chờ.
Năm sau lại có sáng kiến mới, lần này xuất phát từ Đại Diện Tông Tòa ở Hải Phòng, Đức Cha Terres. Ngài ước mơ mở một trường học ở thành phố đông dân cư này, nằm ở bờ biển, cách Hà Nội khoảng 100km. Một cuộc hội kiến đầu tiên với Sư huynh Abban, không mang lại kết quả. Đầu năm 1894, Sư huynh Giám tỉnh của Tỉnh Dòng Viễn Đông truyền cho Sư huynh Ivarch-Louis lệnh đến xem xét tại chỗ. Chính Đức Cha Terres tiếp đón vị đại diện của Dòng. Sư huynh ghi nhận lòng đầy thiện chí của Đức Giám Mục sở tại, nhưng cũng thấy hầu như thiếu hẳn nguồn tài trợ. Đức Giám Mục nói: “Nếu các sư huynh không thể lập một cộng đoàn ở Hải Phòng, vậy có điều gì cản trở các sư huynh chấp nhận dự án của Đức Cha Gendreau không?” Lời gợi ý này giục giã Sư huynh tiếp tục cuộc hành trình đến thủ đô xứ Bắc kỳ.

Thư phúc đáp năm 1892 đã gây ấn tượng không tốt nơi Đức Cha Gendreau, vì ngài coi đó là một bằng chứng của sự thờ ơ lãnh đạm nơi các sư huynh Không thể trông chờ ở Dòng La San, Ngài đã quay sang Dòng Maristes. Nhưng sự việc hiện còn chưa ngã ngũ. Sư huynh Louis vội vàng đến nơi và được tiếp đón nồng hậu. Vị Đại Diện Tông Tòa trình bày dự án, dẫn Sư huynh đi xem ngôi nhà sẽ tạm dùng làm lớp và khu đất để xây cất nhà trường tương lai.


Vị thủ hiến, ông Chavassieux, dành cho Sư huynh những lời lẽ hết sức tốt đẹp: “Xin hãy tin chắc rằng tôi không muốn điều gì khác hơn là thấy các sư huynh. có mặt ở Bắc kỳ, bắt đầu tại Hà Nội. Chúng tôi cần những nhân viên bản xứ, những người tại chỗ. Các sư huynh sẽ đào tạo cho chúng tôi nhiều đội ngũ tốt”. Lợi dụng cảm tình của vị quan chức, Sư huynh Louis bộc lộ nỗi băn khoăn của mình: có thể nào miễn quân dịch cho các sư huynh và giáo viên trên toàn lãnh thổ Đông Dương? Vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc Hội... Tuy nhiên, ông Chavassieux có thể trình lên ông Le Myre de Vilers, hiện là đại biểu của xứ Nam kỳ.
Các Sư huynh đến Hà Nội (1894) - Trường Puginier (tháng 7.1897)
Rốt cuộc, đất Bắc kỳ như rộng mở thênh thang đón các môn đệ của Gioan La San. Cần phải gởi gấp những tu sĩ mà Đức Cha Gendreau yêu cầu. Còn trường hợp Hải Phòng thì để sau rồi sẽ tính kỹ hơn: nơi ấy có khung cảnh và khí hậu rất thích hợp cho các sư huynh đã làm việc quá sức và bị suy yếu. Tại đó họ có thể nghỉ ngơi vài tháng bên cạnh các sư huynh khác đang dạy học. Vị khâm sứ kiêm thị trưởng, cũng như Đức Giám mục Đại Diện Tông Tòa hứa sẽ hợp tác cách chân thành ([3]).

Nhưng còn lâu các sư huynh mới đến Hải Phòng ([4]). Trái lại Hà Nội sắp vồn vả chào đón họ. Ngày 6-8-1894, lễ Chúa Biến Hình, ba sư huynh đáp tàu từ Saigon, băng qua Nam Hải đến vịnh Bắc kỳ. Người lãnh đạo của nhóm là Sư huynh Basilisse-Marie mà ta đã quen và mến yêu. Sư huynh để cho người bạn cũ ở Hồng Kông cùng đi theo, Sư huynh Edouard, một người Việt Nam ([5]). Còn người thứ ba là Sư huynh Sisenand-Augustin, trước đây thuộc cộng đoàn Singapore. Vài tuần sau, khi đã đến nơi, cộng đoàn được thêm thành viên thứ tư là Sư huynh Andéol-Marie, được Sư huynh Giám tỉnh Abban điều động từ cộng đoàn Hồng Kông. 


Nhà ở đầu tiên chỉ là một căn nhà lá bên cạnh nhà thờ chính tòa và thiếu hẳn mọi tiện nghi. Kể từ tháng Giêng 1895, cộng đoàn và trường học dọn về ở một nhà có lầu. Các thanh niên Pháp học trong hai lớp, còn con của các thân hào người Việt thì được dạy ở một khu khác. Các sư huynh có nhờ vài giáo viên ngoài Dòng phụ giúp, trong khi vào những năm 1896 và 1897, Dòng có tăng viện về nhân sự, một phần gồm các sư huynh ở vùng Bretagne. Do vậy nên Sư huynh Conrad-Alexis đã có mặt tại Hà Nội một thời gian.
 



Đến tháng 3 năm 1895, Sư huynh Basilisse thân thương đã trở về Sài Gòn. Sư huynh Dolet-Eugène lên thế ngài làm hiệu trưởng, chức vụ mà trước đây Sư huynh đã giữ ở Singapore. Một biến cố quan trọng đánh dấu nhiệm kỳ ngắn ngủi của Sư huynh Dolet: tháng 7/1897, ngôi nhà lớn từ nay sẽ dùng cho công việc giáo dục, vừa được xây cất xong. Cơ sở to lớn này được Đức Cha Gendreau đến làm phép khánh thành với cái tên “Trường Puginier”.
Hai tháng sau, Sư huynh Crescence-de-Jésus, cựu Hiệu trưởng trường Recouvrance ở Brest, đến lãnh trách nhiệm điều hành trường mới. Thời hạn 3 năm sắp kết thúc. Bấy nhiêu cũng đủ để chứng tỏ khả năng và lương tâm chức nghiệp của các thầy giáo. Ai cũng mong ước có một khế ước hợp pháp giữa Dòng La-san và Hội Thừa Sai. Đức Cha Gendreau và Sư huynh Ivarch-Louis đồng ký vào văn kiện ngày 15/6/1898. Các sư huynh trường Kitô được vị Đại Diện Tông Tòa uỷ thác trách nhiệm dạy học cho con trẻ Pháp, Việt Nam và con lai, tại trường Puginier cũng như ở trường chi nhánh ngoại trú miễn phí, thường gọi là “trường Hội Thừa Sai” (Collège de la Mission).
Năm 1901, cả hai trường được tất cả là 403 học sinh, trong đó có 104 học sinh Pháp và con lai và 299 học sinh bản xứ. Các Sư huynh La San đã can đảm và thành công trong việc trấn an các tâm hồn và mở mang Nước Chúa trên đất Bắc Kỳ, nơi mà bao vị tử đạo và đồng bào công giáo đã đổ máu hy sinh ([6]).
Nhưng cuộc bắt bớ khắc nghiệt ở Pháp do Luật 07/07/1904, nhằm dẹp bỏ các Dòng Tu, cũng lan rộng qua tới Bắc Kỳ. Chính phủ thuộc địa ngưng trợ cấp số tiền 15000francs cho Ecole de la Mission và ngưng các học bổng dành cho con các công chức học ở trường Puginier. Đã có áp lực thù địch buộc các công chức phải rút con họ ra khỏi trường các sư huynh Nhưng đó cũng là lúc mà chúng ta chứng kiến bao gương tốt ở những người tín hữu đầy tình nghĩa bất khuất. Gia đình họ sẵn sàng chịu thiếu thốn để tiếp tục giáo dục con em họ trong đức tin. Nhờ vậy mà việc làm hữu ích của các Sư huynh La San vẫn tiếp tục ([7]).
Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Pháp vừa bị Đức đánh bại, lính Nhật liền chiếm đóng Đông Dương kể từ 08/12/1941. Những biến cố bi thảm càng xảy ra dồn dập. Năm 1945, Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền, tuyên bố nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, bắt đầu cuộc chiến chống Pháp. Các trường ở miền Bắc, sau cơn lốc và bị tạm ngưng nhiều tháng, đã phát triển tốt đẹp với số học sinh ở cả hai nơi lên đến 2500 em. Ghi nhận một kỷ niệm nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Thánh Gioan La San, buổi lễ tổ chức ở trường Puginier được kết thúc bằng một cuộc biểu diễn lộng lẫy ở sân vận động của thành phố.
Đảng Cộng Sản giành được chiến thắng. Hiệp định Genève tháng 7/1954 tuyên bố nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, gồm Bắc Kỳ và Miền Bắc Trung Kỳ xuống tới vĩ tuyến 17. Các công trình La San ở Miền Bắc phải giải thể. Sư huynh Giám Tỉnh báo cáo về Trung Ương Dòng ở Roma: “Các trường ở phía Bắc phải ngưng hoạt động vì sợ rắc rối về chính trị. Trường Puginier Hà Nội với 1425 học sinh và trường Saint Joseph ở Hải Phòng với 1097 học sinh, đã đóng cửa ngày 15/09/1954.” Một sự ra đi trong đau đớn, nhưng cũng để lại một thành tích huy hoàng một thời đóng góp của Dòng La San hơn nửa thế kỷ cho nền giáo dục trên mảnh đất Thần Kinh. “Hai tuần sau, qua trung gian của Sư huynh Phụ Quyền Zacharias đang có mặt tại chỗ, các sư huynh Việt Nam đã trình lên Sư Huynh Tổng Quyền ở Roma một bức thư đáng khâm phục, nói lên lòng trung thành không thể lay chuyển của các sư huynh đối với linh đạo và sứ mạng La San, và sự dũng cảm để đối phó với bất kỳ công tác nào được giao.
Cánh cửa Trường Puginier Hà Nội đã khép lại ngày 15/09/1954. Danh tiếng của trường cũng lùi lại trong quá khứ chỉ còn vọng lại đâu đó với những lời tri ân của các cựu học sinh La San tại Hà Nội như là những tiếng thì thầm trong cõi lòng đôi khi chỉ đủ một người nghe. Cuộc đời đôi khi cũng phải chấp nhận những nổi đau để tồn tại. Trong niềm tự hào có một nỗi đau canh cánh lòng!
 

Lớp học của các sư huynh tại trường Puginier




[1] Chú thích: Puginier là tên của Giám mục Paul Puginier, giám mục địa phân Tây Đàng Ngoài (1868 – 1892), đặt Tòa Giám Mục ở Kẻ Sở. Năm 1886, ngài chuyển Tòa Giám Mục ra Hà Nội, khánh thành Nhà Thờ Lớn ngày 24/12 dâng kính thánh Giuse. Đức Giám Mục Puginier được nhà cầm quyền Việt Nam tại Bắc Kỳ mời làm thông ngôn và trung gian hòa giải với quân đội Pháp. Ông Nguyễn Tri Phương Tổng Đốc Hà Nội đã nhân danh vua Tự Đức tặng huy chương vàng cho Đức Giám Mục (xem LM Bùi Đức Sinh (1997), Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, quyển Hai, trang 536)
[2] Sư huynh Lê Thành Tốt, 2002, Dòng Các Sư Huynh Trường Kitô Tại Việt Nam, VPGT Tỉnh Dòng La San Việt Nam, Tp. HCM, 2002
([3]) AMG, hồ sơ ID 06
([4]) Họ sẽ đến đó năm 1906
([5]) Về SH. Edouard-Henri, xin xem bài X, trang 79. (GCCND)
([6]) BEC số tháng 4, 1913, trang 160-167, và những chú thích do Sư huynh Cyprien Gẫm, Hiệu trưởng trường Puginier, Phụ tá Giám Tỉnh, cung cấp, năm 1949.
([7]) BEC, 1931, trang 157-167.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét