17/2/14

Trường Thánh Giuse Mỹ Tho

Để chào mừng kỷ niệm 150 La San Việt Nam (1866 - 2016) một trong những điều Tỉnh Dòng quan tâm là đọc lại lịch sử hình thành nên Tỉnh Dòng Việt Nam. Đọc lại lịch sử các trường La San cũng nằm trong tiến trình đọc lại lịch sử La San Việt Nam.
Nay chúng tôi xin giới thiệu những thông tin mới cập nhật thêm về trường Thánh Giuse Mỹ Tho, một trong những trường đầu tiên của các Sư huynh ở Việt Nam.
Kỷ Niệm 150 Năm Các Sư Huynh La San
Phục Vụ Giáo Dục Tại Việt Nam
 
TRƯỜNG THÁNH GIUSE – MỸ THO
(Nay là Trường Trung Cấp Kinh Tế - Kỹ Thuật Tiền Giang)
Ngôi trường kiểu mới tại Mỹ Tho - 1867-1882
Năm 1867, sau một năm điều hành và tổ chức trường học Adran, nhận thấy công việc giảng dạy và kết quả khá tốt nên chính quyền thời đó mời các sư huynh La San xuống mở thêm trường tại Mỹ Tho. Nhờ có tăng viện thêm 4 sư huynh mới từ Pháp sang, các sư huynh vui vẻ chấp nhận lời đề nghị và mở một ngôi trường kiểu mới, khá lạ đối với người dân tại Mỹ Tho.
Trường Mỹ Tho có 3 lớp với số học sinh khoảng 100 em. Cơ sở trường chỉ là một ngôi nhà mua lại của một người Tàu tên là A-Sui, tọa lạc trước bến cảng Mỹ Tho, bên bờ sông (arroyo) Bảo Định[1]. Sang năm 1875, trường được dời về chỗ “trại giam”, mà trước đây, đó là tòa án của tỉnh.
Trường khởi sự hoạt động vào ngày 01/03/1867, các Sư huynh dạy học miễn phí. Hiệu trưởng kiêm giáo viên là Sư huynh Adelphinien, và 2 sư huynh giáo viên khác là Sư huynh Bertuluis và Sư huynh Ibondius[2]. Các sư huynh đứng lớp suốt ngày. Hàng tháng được trả lương là 1500f/tháng/ sư huynh. Sáu (06) tháng sau, tháng 9/1867, Sư huynh Adrien Victor được bổ nhiệm đến làm hiệu trưởng thay thế Sư huynh Adelphinien.
Các Sư huynh làm việc quần quật suốt ngày trong điều kiện sinh hoạt thấp và thiếu tiện nghi, cách ẩm thực và thực phẩm cũng khác lạ thế nên các Sư huynh mau xuống sức. Sau gần 2 năm Sư huynh Adelphinien bệnh rất nặng phải trở về Pháp gấp, còn Sư huynh Adrien Victor đã ngã xuống như hạt giống rơi vào lòng đất tại xứ sở truyền giáo này với mong ước được sinh hoa kết quả dồi dào!
Trường Mỹ Tho được tổ chức theo lối phương Tây tại vùng Lục Tỉnh Miền Tây Nam Bộ, do các sư huynh La San là những tu sĩ  người Pháp trực tiếp điều hành và giảng dạy, nên từ buổi đầu không thể tránh được những e ngại dè dặt nơi các phụ huynh và học sinh khi đến trường. Nhà cầm quyền đã đốc thúc việc chiêu mộ học sinh và trợ cấp cho học sinh về tập sách bút mực, mỗi học sinh đi học được cấp tiền học cụ 0,5f/tháng.
Sau một thời gian làm quen giữa thầy và trò, các học sinh bắt đầu ham thích việc học tập và tiến bộ thấy rõ. Số học sinh tăng đến học tăng thêm và lên đến khoảng 100 em.
Theo một nhận định còn được ghi lại: “Từ khi được thành lập, số học sinh của trường Mỹ Tho tăng đều vì những phương pháp khá hấp dẫn và những lời khích lệ của các sư huynh. Thế nên kết quả học hành khá mỹ mãn. Nhiều học sinh trường này được gởi sang Pháp du học.”
Chính quyền thuộc địa đã khích lệ kết quả đạt được bằng việc tăng tiền trợ cấp thêm 50 xu/học sinh để mua sách và dụng cụ học tập cho học sinh. Học sinh được trợ cấp 1f/học sinh. Một quyết định của ông Thống đốc Nam Kỳ ký vào ngày 28/04/1971 viết như sau:
Thiếu tướng hải quân, thống đốc và chỉ huy trưởng tối cao
Xét rằng theo báo cáo của ông giám đốc nội vụ, tiền trợ cấp 50 xu cho mỗi học sinh được trao cho ông bề trên trường Mỹ Tho dưới danh nghĩa là để đặt mua dụng cụ giáo khoa cho học sinh (theo quyết định ngày 13 tháng Chín năm 1867) là không đủ chi dụng, 
Nay quyết định:
Kể từ ngày 1 tháng 5 năm 1871, nhà cầm quyền sẽ chi trả cho sư huynh hiệu trưởng trường Mỹ Tho một số tiền là 1 f dưới danh nghĩa là để đặt mua dụng cụ giáo khoa cho học sinh .
Giám đốc nội vụ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
                                                      Sài Gòn, ngày 28 tháng Tư năm 1871
                                                                      Ký tên:  Dupré
Nội trú và học bổng
Với thời gian, dưới sự điều khiển của các sư huynh, trường Mỹ Tho đạt được những tiến bộ rất khả quan; được các phụ huynh tín nhiệm hơn một số trường khác tại khu vực của tỉnh Mỹ Tho. Trước nhu cầu chính đáng của một số phụ huynh ở tại các huyện hay làng tổng trong tỉnh muốn cho con em mình đến học tại trường Thánh Giuse Mỹ Tho, có được chỗ ăn ở luôn tại trường và được đặt dưới sự hướng dẫn chu đáo của các sư huynh, trường cho lập ra ban nội trú. Thêm vào đó, nhà cầm quyền vì thấy nhà trường hoạt động hữu hiệu nên đã có chính sách hỗ trợ bằng cách cấp cho học sinh trường Mỹ Tho một số học bổng, có lúc con số này lên đến 25 (vào ngày 15/05/1871).
Sang năm 1878, vì sĩ số học sinh gia tăng, lại có thêm 2 sư huynh tăng viện[3] nên trường mở thêm một lớp thứ tư.
Kết quả trong hai kỳ thi tuyển ngày 12/01/1980: tại kỳ thi này, trường Chasseloup Laubat gởi 17 học sinh dự thi và được kết quả là 4 học sinh trúng tuyển. Trường Adran có 14 thí sinh, 8 được chấm đậu. Kỳ thi tuyển ngày 15/01/1881 nhằm tuyển dụng nhân viên cho nhà ‘dây thép’ (bưu điện) Sài Gòn. Trên 20 thí sinh dự thi, 11 được công nhận trúng tuyển.
Nguyên Nhân Đưa Đến Đóng Cửa Trường Vào Năm 1881
Ngân sách năm 1880 giữ nguyên số học bổng dành chung cho 3 trường được các sư huynh điều khiển nhưng bớt giá trị các học bổng của các trường Mỹ Tho và Vĩnh Long từ 240f  xuống còn 150 f mỗi học bổng
Chuyện gây khó khăn cho trường đạo trở nên lộ liễu hơn khi nhà cầm quyền mới thay thế lãnh đạo. Ông Thống đốc mới (Le Myr de Villers) ông Béliard, Giám đốc Nội vụ và ông Giám đốc Học vụ tìm cách đẩy các sư huynh ở trường Vĩnh Long đi sang chỗ mới là Sóc Trăng, Trà Vinh… nơi có nhiều khó khăn nhất là về sinh hoạt tôn giáo[4] và để nhường vị trí thuận lợi cho ban giáo viên mà các ông đã chuẩn bị sẵn…
Thật vậy, Sư huynh Idinaélis, Giám Tỉnh, kiêm Hiệu trưởng trường Adran tại Sài Gòn, có ghi lại về cuộc đàm đạo giữa sư huynh và ông Giám đốc Học vụ trong dịp dự một buổi tiệc chính thức. Ông này tuyên bố với Sư huynh Giám tỉnh:
  1. Ông hoàn toàn không thích nền giáo dục trường đạo và ông cố hết sức để thay thế nền giáo dục ấy.
  2. Vì đang đủ sức để thay thế các sư huynh tại Vĩnh Long, ông tự đặt chỉ tiêu là phải đưa các vị ấy xuống Sóc Trăng.
  3. Chẳng bao lâu nữa, ông sẽ sẳn sàng đưa người đến thay thế các sư huynh tại Mỹ Tho và đưa các vị này ra Bà Rịa và ông hy vọng trong một ngày rất gần, ông có thể thay thế họ toàn bộ.
Sau những lời phát biểu mà ông ấy được phép tuyên bố, xét vì nguồn gốc phát xuất của những ý đồ ấy, lời ấy được coi như có tính chất chính thức. Vì vậy Sư huynh Giám tỉnh thấy có bổn phận làm đơn xin đóng cửa các trường tại Mỹ Tho và Vĩnh Long.
Về vụ này sư huynh viết thư cho ông giám đốc nội vụ lưu ý rằng các sư huynh không thể làm “cái trò” mà ông giám đốc học vụ muốn họ đóng bằng cách gởi họ đi từ cửa này sang cửa khác để sửa soạn trường ốc cho những giáo viên mà ông ấy nhắm đem đến thay thế họ.
Sư huynh Giám tỉnh nhận được câu trả lời qua bức thư của ông Giám đốc nội vụ như sau:
                                                     
Sài Gòn, ngày 8 tháng Giêng năm 1881
              
Kính thưa ông Hiệu trưởng,
Trong thư ông đề ngày 3 tháng Giêng năm 1833, số 39, ông có đề nghị đóng cửa các trường do các sư huynh điều hành tại Mỹ Tho và Vĩnh Long.
Tôi ghi nhận việc yêu cầu này và xin ông vui lòng chỉ rõ ra ngày tháng mà ông cho là thuận tiện cho việc đóng cửa các trường này.
Thưa ông hiệu trưởng, xin vui lòng nhận…vv …
                                                                                   Giám đốc nội vụ
                                                                                   Ký tên:   Béliard
Song song với việc ông Giám đốc Nội vụ ghi nhận chính thức đề nghị đóng cửa các trường Mỹ Tho và Vĩnh Long của Sư huynh Giám tỉnh, ông Thống đốc cũ muốn giảm bớt căng thẳng nên xin sư huynh hoãn lại việc thực hiện quyết định này và xin trao tặng 150.000F để xây cất một ngôi trường khác tại trung tâm nào mà sư huynh thích và sẽ di chuyển trường Vĩnh Long đến đó vì việc tái xây dựng trường nầy là cấp thiết.
Sư huynh Giám Tỉnh lưu ý ông Thống đốc này là tình trạng các sư huynh tại Nam Kỳ rất là vất vả do điều kiện sinh hoạt thiếu thốn mà công việc thì quá nặng nề và phải cật lực suốt ngày. Ngoài ra, còn có vấn đề thiếu hụt nhân sự do bệnh hoạn hay sự suy nhược tạo nên, vì vậy, việc các sư huynh rút đi là điều hợp lý vào lúc này.
Ông Thống đốc có khẩn khoản thiết tha việc lưu giữ các trường, làm nổi bật lên sự tận tụy của các sư huynh và nói thêm là rất khó cho nhà cầm quyền thay thế họ và kêu mời Sư huynh Giám tỉnh chỉ định địa phương thích hợp với sư huynh nhất để xây dựng trường sở mới. Sau cùng vị trí mới được chỉ định cho công tác xây cất mới là Thủ Dầu Một, một địa phương quan trọng, khá gần với Sài Gòn, một vùng đất có nhiều thắng cảnh và không khí trong lành nhất (vào cuối thế kỷ 19) tại Nam Kỳ. Nhưng rồi ông thống đốc trở về Pháp và những khó khăn về nhân sự đã ngăn cản việc tiến hành dự án xây dựng trường sở tại Thủ Dầu Một.
Trước tình hình như thế, Trung ương Dòng buộc lòng phải ra lệnh yêu cầu Sư huynh Giám tỉnh tại Nam Kỳ đóng cửa các trường ở Mỹ Tho và Vĩnh Long. Trong thời điểm này, Hội đồng cố vấn thuộc địa, dưới áp lực của ông Blancsubé, Thị trưởng Sài Gòn, ra lệnh ngưng cung cấp lương bổng cho các sư huynh theo như hợp đồng đã được ký kết giữa chính quyền thuộc địa với Dòng La San.
Sư huynh Giám Tỉnh có gởi cho ông Giám đốc nội vụ bức thư sau:
                                              Sài Gòn, ngày 9 tháng Sáu năm 1881
                Kính gởi ông Giám đốc,
Trong thư của tôi đề ngày 3 tháng Giêng, số 39, tôi đã đề nghị việc đóng cửa các trường ở Mỹ Tho và Vĩnh Long. Qua đáp thư của ông đề ngày 8 cùng tháng số 48, ông đã chấp nhận  đề nghị của tôi và ngõ ý muốn tôi định rõ ngày tháng của việc đóng cửa này.
Trong một cuộc hội kiến mà tôi có được với ông thống đốc để bàn về chuyện trên, ông ấy đã yêu cầu tôi tiếp tục duy trì các trường và đề nghị tôi lựa chọn một trung tâm nào đó để di chuyển trường Vĩnh Long đến nơi sẽ xây dựng ngôi trường mới. Hảo ý mà chính quyền luôn tỏ ra đối với chúng tôi đã buộc tôi thuận đáp theo sở thích của ông ấy.
Thưa ông Giám đốc, hôm nay tôi rất buồn mà phải báo tin ông hay là vấn đề  nhân sự của tôi không còn cho phép tôi duy trì lâu dài được nữa các trường đã được đề cập tới. Trên số 14 sư huynh Pháp đang công tác tại thuộc địa, hết 8 sư huynh đã sống và phục vụ tại đây hơn 12 năm và vài sư huynh cũng rất cần được một thời gian nghỉ ngơi mà tôi không thể nào thoả mãn cho họ được .
Vì lẽ đó và theo lệnh của cấp trên trong Dòng, tôi quyết định đóng cửa trường Vĩnh Long vào kỳ nghỉ ngắn ngày trong tháng Tám tới đây và sẽ đóng cửa trường Mỹ Tho vào cuối niên học.
Xin ông Giám đốc vui lòng nhận vv …
                                                               Hiệu trưởng trường Adran
                                                              Ký tên:  Sư huynh Idináelis
Ông giám đốc nội vụ đơn giản báo đã nhận thư.
Vào đầu tháng 7 năm 1881, Sư huynh Hiệu trưởng Bénilde nhận được lệnh của chính quyền thuộc địa phải rời bỏ trường trong vòng 15 ngày. Vì hệ thống các trường do các sư huynh điều hành - (lúc này Nam Kỳ còn ba (03) trường La San tại Sài Gòn, Vĩnh Long và Mỹ Tho, còn hai trường ở Chợ Lớn và Bắc Trang thì các Sư huynh đã đóng cửa trước rồi) - liên hệ chặt chẽ về nhân sự, phương pháp dạy, uy tín… Sau khi có sự đồng ý của Trung ương Dòng, các sư huynh thấy cần quyết định đóng cửa các trường để bổ sung nhân sự cho các trường tại Hồng Kông, Colombo… là các quốc gia không chịu ảnh hưởng của thực dân Pháp.
Như vậy, trường được khai giảng ngày 1 tháng Ba năm 1867 và đóng cửa vào tháng 7 năm 1881. Các cơ sở khác do các sư huynh điều khiển như trường Adran (Sài Gòn), trường Vĩnh Long cũng bị đóng cửa. Một số đông các sư huynh được gọi trở về Pháp. Một số các sư huynh người Việt đi sang Hồng Kông và nỗ lực để tái hòa nhập với môi trường địa phương. Một số khác trở về đời thường. Từ đây, sự hiện diện của các sư huynh tại Việt Nam không còn do chính quyền thuộc địa, mà sau này, sự trở lại của các sư huynh tại Việt Nam trong tư cách là người của Giáo Hội, theo lời mời của giáo quyền.
Các Sư Huynh Trở Lại Trường Mỹ Tho năm 1908
Cha sở Renier đã mời gọi các sư huynh trở lại Mỹ Tho. Ba (03) sư huynh đã đến vào ngày 20 tháng 03 năm 1908. Từ khi trở lại Mỹ Tho vào năm 1908, các sư huynh đã được dân chúng cả lương giáo đều mừng rỡ đón tiếp và giao phó con em họ cho các sư huynh giáo dục. Trường khai giảng vào ngày 01/04/1908, lúc ấy khoảng 40 học sinh, đến cuối niên học, tức ngày 27 tháng 09, sĩ số lên đến con số 120 mà phân nữa là con em nhà có đạo Chúa. Trường chỉ là ngôi nhà lá nằm trong khuôn viên nhà thờ. Còn các sư huynh tạm trú trong nhà xứ.
Các em không phân biệt tôn giáo, cùng ngồi trên ghế nhà trường La San, học cùng bài toán, bài văn phạm và giáo lý. Học sinh lương không buộc phải đi lễ ở nhà thờ giáo xứ như các bạn công giáo. Tuy nhiên rất nhiều em, sáng chiều trong những ngày học, đã theo các bạn có công giáo vào nhà thờ viếng Chúa. Thậm chí có em cũng đi lễ ngày Chúa Nhật. Thế nên, việc xin gia nhập đạo Công giáo và chịu phép rửa xảy ra rất đều đặn, nhất là vào giờ phút lâm chung.
Cộng đoàn các sư huynh tại Mỹ Tho có ba sư huynh là Sư huynh Crescence-Marie, hiệu trưởng và hai sư huynh khác là Sư huynh Domicé-Marie và Sư huynh Louis-Bonnard

Ngày 6 tháng Tám năm 1916, theo lời mời của cha sở Rénier, Đức cha Quinton, Giám mục Phụ tá Sài Gòn đến cử hành long trọng nghi thức làm phép ngôi trường mới. Tất cả cộng đoàn dân Chúa thuộc giáo xứ Mỹ Tho có mặt gần như đầy đủ tại buổi lễ. Sư huynh hiệu trưởng trường Taberd Sài Gòn cũng đến tham dự. Trong những năm ấy, trường Thánh Giuse Mỹ Tho cũng hân hạnh đón tiếp Đức Giám Mục Nam Vang (Phnom Pênh), đức cha Bouchut, cha Delignon, quyền bề trên tạm của Hội Thừa sai Paris, Đức cha Allys và linh mục Léculier của địa phận Huế.

Vào những năm 1930, trường Thánh Giuse Mỹ Tho có 300 học sinh mà một nửa là nội trú. Lại có thêm 60 đệ tử cùng học chung với học sinh và góp sức với Hiệp Hội Thánh Mẫu làm công việc tông đồ rất đắc lực. Vào thập niên 1950, trong tổng số là 133 sư huynh của Tỉnh Dòng, có trên 30 sư huynh đã xuất thân từ trường Mỹ Tho[5]. Trường cũng tổ chức các hội đoàn cầu nguyện như Hội Thánh Tâm, Hội Cầu Nguyện và Phạt Tạ.

Sự Bàn Giao Cơ Sở Và Trường La San tại Mỹ Tho Ngưng Hoạt Động
Ngày 30/04/1975, Sư huynh Hiệu trưởng Bienvenue Nguyễn Ngọc Phước (đã hồi tục sau này) bàn giao cơ sở lại cho giáo phận qua cha sở nhà thờ chính tòa tên là Linh mục Nguyễn Văn Chúc để được sự cha chở của Giáo hội địa phương. Văn bản bàn giao có ghi: “Chúng con xin hoàn lại tất cả cơ sở dòng La San cùng với tất cả các vật dụng.” Tuy nhiên linh mục Chúc vẫn mời các Sư huynh điều khiển trường. Ngày 12/10/1976, linh mục Chúc đã đệ đơn hiến cơ sở trường cho Nhà nước sử dụng làm trường công lập (được trao bằng khen), nhưng không hiến cơ sở tu viện. Trường La San Mỹ Tho ngưng hoạt động từ đây. Cơ sở này được Sở Giáo Dục Tiền Giang tiếp nhận và biến thành trường Bổ Túc Công Nông, rồi đổi thành trường Thực Nghiệm Giáo Dục, và rồi Trung Tâm Hướng Nghiệp và Dạy Nghề. Nay là trường Trung Cấp Kinh Tế - Kỹ Thuật Tiền Giang.
Ngày 12/1/1992, Sư huynh Giám Tỉnh Maurice Triều gửi văn bản về Tòa Giám Mục Mỹ Tho xin lại cơ sở Tu viện để các Sư huynh La San trở lại hiện diện và phục vụ tại Mỹ Tho nhưng bị từ chối. Ngày 12/11/1995, văn bản có chữ ký và con dấu của linh mục Chúc buộc người đại diện của Dòng La San (tức là cựu Sư huynh Miên được nhà dòng ủy quyền) ra khỏi cơ sở tu viện. Sự hiện diện của các Sư huynh kể từ lúc ấy không còn một cơ sở pháp lý nào nữa.[6]


[1] Tức khoảng từ cầu Quay ra tới vàm sông Tiền của thành phố Mỹ Tho
[2] Chính sh này cũng không chịu được điều kiện khắc nghiệt của công việc cũng như khí hậu nên đã ngã bệnh và qua đời tại bệnh viện Sài Gòn và rồi được chôn cất tại đất thánh Chí Hòa, kế bên đất thánh các lm của giáo phận SG.
[3] Như vậy trường có tất cả là 5 sư huynh : 4 đứng lớp và 1 lo việc điều hành. Thông thườngcác sư huynh tự lo liệu lấy, nhưng nếu có nội trú, thì mới nhờ đến các người giúp việc.
[4] “Sư huynh Giám Tỉnh Idináelis lưu ý ông giám đốc nội vụ rằng sư huynh không thể chấp nhận giải pháp đưa trường (đồng nghĩavới việc đưa các sư huynh ) sang Trà Vinh bởi vì ở đấy không có các linh mục thừa sai và các sư huynh thì không thể không tham dự các nghi lễ tôn giáo mà các vị ấy cử hành.”
[5] Lê Thành Tốt (2002), Dòng Các Sư Huynh Trường Kitô Tại Việt Nam, 2002, do VPGT La San Việt Nam, Sài Gòn xuất bản, trang 57.
[6] Chú thích: Theo tờ trình của cựu Sư huynh Montfor Lê Đình Miên (đã hồi tục vào tháng 3/1978), đề ngày 22/11/1995 gửi cho SH Giám Tỉnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét