5/3/14

La San Cù Lao và Bá Ninh Nha Trang

Năm 2014, trường La San Bá ninh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1954 - 2014).
Nhân dịp này, tập thể thầy trò trường La San Bá Ninh đã xuất bản Tập Đặc San kỷ niệm 60 năm thành lập trường.
Mời quý vị đọc bài La San Cù Lao và Bá Ninh Nha Trang trích trong Đặc San này


Không hiểu tôi có phải là người được may mắn hay không?
Tôi sinh ra tại Xóm Bóng, trước mặt Tháp Bà, dựa chân đồi La San Cù Lao. Tôi được theo học tại trường Tiểu học La San khi trường vừa khai giảng năm đầu tiên do Frère Harman làm Hiệu trưởng. Trường được xây dựng trên sườn đồi ngước mặt về bãi biển Nha Trang. Lên trường học, học sinh phải leo trên cả trăm cấp bằng đá. Thầy dạy chúng tôi thời bấy giờ nay không còn ai, chỉ vỏn vẹn là Frère Valentin (hiện còn đang ở Sài Gòn ). Khi ấy Frère chưa mặc áo dòng và người thứ hai là Frère Colomban chuyên dạy chúng tôi đá banh tại sân banh Bụi Tre (của Tu Viện La San, nay là khu tập thể của Đại học Nha Trang). Trường nay đã không còn dấu tích gì, may chỉ còn bậc cấp băng đá từ trường đi lên đồi nơi dựng tượng thánh Gioan La san mà nay đã biến mất.

Tốt nghiệp tiểu học , tôi đã thi đỗ vào TH Võ Tánh Nha Trang, nhưng không học mà ôm sách vở vào La San Bá Ninh niên khóa 1955-56 do Frère Roger là hiệu trưởng. Trường Bá Ninh xây dựng dọc đường biển Duy Tân Nha Trang, cách trường Pháp và Hàn Thuyên Nha Trang bằng con đường Nguyễn Tri Phương, nay là Nguyễn Chánh và chính là trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang, dáng trường xưa nay đã xóa mờ.

Thật vô cùng oan nghiệt mới học nửa năm lớp đệ thất, ba tôi bệnh và qua đời, nhà chỉ còn 3 người là Má tôi và 2 anh em tôi đang học tại Bá Ninh.. Cơm áo tạm qua ngày, nhưng khốn nổi tiền đâu để thanh toán học phí cho trường. Ban đầu tôi dự định hy sinh thôi học đi tìm học nghề để kiếm sống phụ với má tôi. Nhưng cũng may nhà trường mở cho tôi một hướng: Xin cho tôi được học bổng của Bộ Giáo Dục cấp hằng năm, cho học sinh nghèo học tập tốt. Học phí tạm miễn trả và cuối năm được thanh toán bằng khoảng học bổng nhỏ, cộng với tiền dành dụm đi dạy kèm các em lớp năm, lớp tư, con của các gia đình khá giả hoặc có chức danh thời bấy giờ, do nhà trường giới thiệu. Với mọi cố gắng học, để khỏi phụ lòng Ban Giám Hiệu trường, cùng với sự động viên của Frère Gonzague, tôi đã hoàn thành 4 năm học đệ nhất cấp (Khi ấy Frère Gonzague dạy văn và Frère Amédée Anh văn và đàn Violon và dương cầm).

Thi vào đệ tam Võ Tánh cũng đỗ, nhưng nhờ má tôi cho tôi tự quyết chọn trường theo học tiếp. Nhân năm 1959-1960 Trường Bá Ninh lại bắt đầu mở lớp Đệ tam chương trình Việt đầu tiên, và cứ mỗi năm mở thêm 1 lớp. Sẵn quen trường, quen thầy, quen bạn tôi tiếp tục học luôn Bá Ninh. Tôi được sự giúp đỡ của Frère hiệu trưởng Raymond, vẫn được học bỗng của Bộ Giáo dục và cộng chút ít tiền dạy kèm, tôi đã lây lất qua ngày. May mắn tôi thi đâu đậu đó, nên đỗ Tú Tài 1 dễ dàng. Tiếc gì một năm vất vả nữa mà qua Võ Tánh học, tôi ở lại học đệ nhất luôn ở Bá Ninh (ba lớp đệ tam, nhị, nhất này được trường gọi là lớp thí nghiệm chương trình Việt của trường). Niên học 1961-62, lớp đệ nhất có 20 học sinh (gồm 10 em học ban B và 10 em ban A Sinh ngữ 1 Pháp Văn, Sinh ngữ 2 Anh văn). Năm này chính là năm quyết định được tiếp tục học hay đi lính nếu rớt Tú tài 2. Vì thế chúng tôi ra sức học, kèm sự chăm sóc động viên của Ban Giám Hiệu và các Thầy trong trường như Frère Raymond dạy Đạo Đức, Frère Hiền Duệ dạy Toán, Frère Majella dạy lý hóa, và Frère Gonzague luôn nhắc nhở…

Cuối năm chúng tôi đỗ tốt nghiệp 100%, thật là một vinh dự lớn mà chúng tôi đã đền đáp lại công ơn dạy dỗ của nhà trường và cha mẹ, không uổng công nuôi chúng tôi ăn học.

Tôi cũng nhớ năm học đệ nhất trường chúng tôi có 3 học sinh đỗ kỳ thi tuyển học sinh du học hóa chất do Canada cấp: là tôi (Phan Lễ , Nguyễn Hoàng Phượng và Phạm Thông) cuối cùng chỉ có bạn Pham Thông là đi du học và tôi và Phượng kẹt lại vì lý lịch của cha mẹ mình.

Hoàn cảnh nhà nghèo lấy gì mà đi học đại học. Tôi quyết định thi vào Quốc gia Hành chánh (tốt nghiệp ra làm Phó Quận trưởng) và Trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang. Mỗi trường chỉ tuyển 100 học viên. Thế mà cũng chen được cả hai, rốt cuộc lại trở về không, khi không đủ điều kiện sức khỏe.. Cuối cùng lại nộp hồ sơ thi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn (năm này mới khai giảng khóa Giáo học cấp bổ túc 2 năm, tốt nghiệp ra dạy Tiểu học). Thế là ôm mền mùng ra Qui Nhơn học khoá 1 năm (1962-1964). Bước đầu sự nghiệp cầm phấn.

Tốt nghiệp tôi được bổ dụng vào Bình Thuận Phan Thiết. Năm 1967 tôi được trúng tuyển kỳ thi Khả năng Sư Phạm Trung cấp, chuyển lên Trung học. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tổng động viên năm 1968, tôi được trả về bộ giáo dục đi dạy lại, và chuyển về Nha Trang năm 1969. Từ đó tôi dạy ở trường Nông Lâm Súc Phú Vinh, Trung học Diên Khánh Khánh Hòa và cuối cùng là Trường Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang cho đến năm 1975.

Tôi nhớ rõ vào một hôm, tôi đến thăm Frère Gonzague tại Bá Ninh. Sau một hồi thăm hỏi, tôi đã kể hết những gì tôi đã gặp từ khi rời trường Bá Ninh và bây giờ đang dạy tại Trung học Diên Khánh Khánh Hòa, trước khi chào Frère ra về, Frère Gonzague giữ tôi lại và hỏi “Con có muốn dạy ở Bá Ninh không? Thật quá ngạc nhiên tôi ấp úng và nói dạ, nhưng hôm nay con đến là thăm Frère, chưa dám nói việc xin dạy. Frère nói trưa nay trong bữa cơm Frère sẽ giới thiệu con cho Frère Hiệu trưởng và Frère Giám học lại chính là Frère Valentin, Thầy cũ của mình. Frère sẽ chịu trách nhiệm về đạo đức của con và chuyên môn con cố gắng.. Một tuần lễ sau đó tôi nhận được 3 giờ Lý hóa lớp đệ ngũ, nhưng rồi độ 1 tháng sau tôi được phân thêm 7 giờ nữa vị chi 10 giờ/tuần. Cũng may nhở sự giúp đỡ của Ban Giám Hiệu trường Trung học Diên Khánh tạo điều kiện dễ dàng để tôi được dạy thêm tại Bá Ninh này cho đến năm 1975. Khi đó tôi được quen với Frère Désiré, Frère Philbert, Frère Vân Hà, thầy Cảnh… và một số thầy ở Nha Trang thời bấy giờ.

Năm 1975, tôi cùng một số anh em Sĩ quan công chức tại Nha Trang được tập trung học tập lớp Cải tạo Sĩ Quan công chức tại trường Hàn Thuyên và tối về ngủ tại TH Võ Tánh Nha trang. Hoc tập xong chúng tôi được lưu dụng cho đi dạy lại các trường cấp 2 trong thành phố thuyên chuyển qua nhiều trường cho đến năm 2004 thì nghỉ hưu.
Nhân dịp kỷ niệm ngày phong Thánh Gioan La San, nhóm cựu học sinh Bá Ninh Nha Trang kết hợp cùng Frère Thắng, Anh Hồ Hồng Thứ, anh Trần Gia Tú, tổ chức một buổi chiều họp mặt tại nhà thờ Bắc Thành (đối diện với trường Thái nguyên, trên đường Lê Thánh Tôn) Buổi họp mặt rất trịnh trọng, tràn đầy tình thân ái giữa bạn bè với nhau, giữa thầy trò lâu năm xa cách. Lúc này tôi được mời tham dự, cùng với thấy Nguyễn Tri Hồng, Thầy Tùng, Thầy Phạm Tú, Thầy Cảnh…

Thời gian sau này tôi có gặp Frère Colomban tại Nhà Heo của Đồi La San Cù Lao. Và nhân dịp đi Sài Gòn tôi có ghé qua thăm Frère Valentin tại Taberd, Frère Raymond làm Giám Đốc viện nghỉ dưỡng các Frère ở Mai Thôn Bình Quới Sài Gòn.. Thật vô cùng xúc động khi gặp được các thầy xưa đã thương yêu dạy dỗ, giúp đỡ mình từ khi còn đi học cho đến khi trở về dạy lại Bá Ninh mà mình chưa kịp có 1 lời cảm ơn. Thật vô cùng bất nghĩa.

Và bây giờ tôi cũng không quên nỗi đau khi biết mất Frère Amédée, sau 1 cơn lụt sập nhà ở Sài Gòn, Frère Gonzague, Frère Roger mất ở nước ngoài, mà tôi không hề gặp được từ năm 1975 cho đến nay, để nói dù một lời cảm ơn.

Đó là những gì tôi còn nhớ lại một cách rõ ràng sau một buổi chiều gặp lại Frère Vân Hà tại khu Tu viện La San Vĩnh Hải Nha Trang chiều ngày 05 thánh 12 năm 2013

Thật là buồn hơn khi tôi vẫn ở Nha Trang từ 75 đến nay, nhưng không hề hay biết gì về những buổi họp mặt của CHS Bá Ninh tại Nha Trang mà gần đây nhất là trong năm 2013 này.

Thật tôi không hiểu tôi có là người may mắn hay không, nhưng cảm thấy mình bất nghĩa với thầy mình quá nhiều. Tuy mình bằng lòng an vui với cuộc sống hiện tại, tạm ổn và thoải mái cho đến hôm nay và chắc đến mai sau.. Tuy năm nay tròn 72 tuổi

Phan Lễ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét