18/1/14

Những cơ sở của thập niên 90 thế kỷ XIX

GIAI ĐOẠN CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN (1890 – 1950)
NHỮNG CƠ SỞ CỦA THẬP NIÊN 90 THẾ KỶ XIX


1890

Năm 1883, trước sự rời bỏ xứ sở Nam Kỳ của các sư huynh, Sư huynh Idinaelis hết sức khiêm tốn và kín đáo nói: “Đức Cha Colombert và các linh mục thừa sai có vẻ rất lấy làm tiếc vì chúng ta ra đi”. Đó là điều không thể nghi ngờ, và sự nuối tiếc ngày càng thêm sâu sắc.


Sau khi các Sư huynh La San ra đi, thì các gia đình Công giáo gửi con em họ cho Trường có tên là Institution Taberd, do cha Juhel des Isles de Kerlan[1] mở tại Sài Gòn vào năm 1873 để nuôi và giáo dục các đứa con tây lai bị bỏ rơi. Tên trường Taberd là để tưởng nhớ Đức cha Taberd, vị giám mục địa phận Đàng Trong (Nam kỳ) từ 1830 đến 1840. Nhưng rồi học sinh quá đông, các cha nghĩ tới nhờ các Sư huynh La San.


Tháng 1 năm 1890, các linh mục trao Trường Taberd cho các Sư huynh. Số học sinh là 160 em, với chừng một nửa học sinh là nội trú. Qua niên khóa sau phải bổ nhiệm thêm 5 Sư huynh về Taberd rồi mở thêm một Trường miễn phí ngay trong khu Taberd và một Trường nhánh tại Vũng Tàu.


Chỉ vài năm sau, 1894, học sinh từ những tầng lớp dân chúng khác nhau đến học đông đúc đến nỗi phải xây thêm một tòa nhà lớn có 2 lầu với hành lang rộng thênh thang: trường nhận 344 học sinh, trong đó có 252 nội trú, 54 bán trú và 38 học sinh ngoại trú. Trường đã được chính quyền và giới phụ huynh tín nhiệm, nhờ tinh thần kỷ luật, các thành quả tốt đẹp thâu lượm được trong các kỳ thi, các cuộc triển lãm về thủ công hay hội họa. Trường được vinh dự nghênh đón nhiều quan chức của chính phủ lúc bấy giờ đến thăm và tuyên dương sự cống hiến của các sư huynh. Đặc biệt, vào tháng 12/1897 trường Taberd được vinh dự long trọng nghênh đón Đức Vua Thành Thái đến viếng thăm[2].

Trải qua hơn 100 năm, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, các sư huynh đã áp dụng các đường lối sư phạm của thánh Gioan La San (Jean-Baptiste De La Salle) đặt ra, là chú trọng đến việc giáo dục phát triển các phần: Trí dục, đức dục và thể dục. Niên khóa 1973-1974, trường có 115 lớp, với 7464 học sinh. Nhiều học sinh xuất thân từ La San Taberd đã làm việc trong các công sở, xí nghiệp và các tổ chức tôn giáo đã nắm giữ các chức vụ lãnh đạo và được nhiều người tin cẩn. Họ trở thành những phần đóng góp cụ thể của các sư huynh La San cho đất nước và quê hương Việt Nam trong việc phát triển xã hội và thăng tiến con người.

Sau năm 1975, do chính sách quốc hữu hóa giáo dục, tất cả các trường La San bị nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa trưng dụng. Trường La San Taberd bị ngưng hoạt động năm 1976. Các Sư huynh vẫn còn giữ lại được một phần đất – nhà, dù không còn được dạy học hay điều hành trường, nhưng hiện diện như một chứng tá rằng ngôi trường đã hơn 100 năm do chính các Sư huynh điều hành.

1896

Tháng 1, 1896: Thành lập Tỉnh Dòng Đông Dương[3]

Sư Huynh Tổng Quyền Joseph quyết định thành lập Tỉnh Dòng Đông Dương, tách rời khỏi Tỉnh Dòng Ấn Độ/Colombo. Sự nhìn nhận tính cách độc lập này tạo điều kiện thuận lợi để Tỉnh Dòng mới tiến lên ngày càng thêm vững mạnh.

Sư huynh Ivarch-Louis (Louis Victor Gaubert (1844-1919) được bổ nhiệm làm Giám Tỉnh tiên khởi từ 1896 – 1914. Lúc bấy giờ Tỉnh Dòng gồm ba nhà: Trường Taberd, Tập Viện tại Thủ Đức và trường Puginier ở Hà Nội. Với tinh thần đức tin và lòng nhiệt thành hăng say không ngơi nghỉ, Sư huynh Giám tỉnh quyết tâm bắt tay vào việc và những cơ sở tôn giáo – giáo dục được nhân lên tại nhiều điểm trên cõi Đông Dương: trường Thủ Đức (1897) liền kề với tập viện, trường Câm – Điếc Gia Định (1898), trường Pellerin – Huế (Bình Linh, 1904), trường Saint-Pierre Battambang (1906), trường Thánh Giuse – Hải Phòng (1907), trường thánh Giuse-Mỹ Tho (1908), Trường Miche – Phnom Penh (1911), trường thánh Phanxicô Xaviê – Sóc Trăng (1913).

1897

14/2/1897[4]: Thành lập Tập Viện, gần Nhà thờ Thủ Đức nhằm mục đích là để đào tạo các sư huynh trẻ người Việt Nam.

Tập viện được thành lập với Sư huynh Giám tập là Basilisse-Marie và các Sư huynh phụ tá là Sh. Idinaešl-Émile và Sh. Joseph-Pierre với 4 tập sinh, 10 thỉnh sinh. Tập sinh đầu tiên xuất thân từ Taberd, đó là anh Pierre Dương.

Tập viện được xây dựng với phép của lãnh đạo Trung ương Dòng, và sự ưng thuận của Đức cha đương nhiệm Dépierre. Nhà Tập đã hoạt động tốt […]

Trong thời điểm đó, tại Pháp, một số lớn bất động sản của Dòng bị tịch thu hoặc “mượn tạm”. Thế nên các lãnh đạo Dòng tại Việt Nam đã nghĩ đến việc sắp xếp lại nhà cửa trường lớp sao cho an toàn. […]

Thế nên nhà đất được bán lại cho Ông Denis Lê Phát An,[5] một điền chủ có đạo cũng vừa tỏ ý định đến định cư tại Thủ Đức. Tập viện Thủ Đức “tạm” đóng cửa và được di chuyển ra Huế (thủ đô của vương quốc Việt, mà luật của Pháp không còn hiệu lực) vào cuối năm 1906.

Tháng 7/1897 – Trường Puginier, Hà Nội.

Ước mơ của các vị chủ chăn Đàng Ngoài về một sự cộng tác của các sư huynh La San đã từ lâu. Nhờ ở lòng nhiệt thành của Đức Cha Puginier và của Đức cha Gendreau cùng với sự ủng hộ của vị khấn sứ kiêm thị trưởng Bắc kỳ, một ngôi trường nhỏ được mở năm 1894 ở thủ đô Hà Nội; lúc đầu chỉ có 2 sư huyn La San dạy học với vài giáo viên giáo dân trợ giúp. Họ triển khai công việc rất tốt. Kết quả là số trẻ em ham học để giúp ích cho xã hội đổ xô đến đông đúc một cách lạ thường. Trước thành công thật tốt đẹp ấy, các cha Hội Thừa Sai đã mau mắn trao cho các sư huynh ngôi trường đang được các cha điều khiển. Sư huynh Giám Tỉnh có gửi thêm người để tăng viện và Đức Cha Gendreau, người có dự kiến lớn, đã mua một khoảng đất rộng và đặt móng xây trường Puginier rộng lớn với những phòng lớp đẹp.

Tháng 7/1897, ngôi trường được xây dựng xong và do Đức Cha Gendreau đến làm phép khánh thành đặt tên là “Trường Puginier”.

Ngày 15/6/1898, Đức Cha Gendreau và Sư huynh Ivarch-Louis đồng ký vào văn kiện chính thức uỷ thác trách nhiệm dạy học cho con trẻ Pháp, Việt Nam và con lai, tại trường Puginier cũng như ở trường chi nhánh ngoại trú miễn phí, gọi là “trường Hội Thừa Sai” (Collège de la Mission).

Trường hoạt động dưới sự điều khiển của các sư huynh trong nhiều năm số học sinh ngày càng tăng nhanh.

Do thời cuộc, ngày 15-09-1954, Trường Puginier Hà Nội cùng với các trường La San ở phía Bắc phải ngưng hoạt động vì sợ rắc rối về chính trị. Thời điểm đóng cửa, trường có 1425 học sinh theo học.
Tập viện Thủ Đức
Nhà Vũng Tàu


31/7/1898: Mở Trường Saint Jean-Baptiste.

Trường Saint Jean-Baptiste bên cạnh Tập Viện ở Thủ Đức, để cho các tập sinh thực tập sư phạm. Một thời gian sau khi Tập Viện được dời về Huế, trường chi nhánh Saint Jean-Baptiste cũng giải thể.

1899

06-3-1899: Mở Trường Nội trú Saint Louis, ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), dành cho con của kiều dân Pháp. Vị trí của trường là “bên cạnh nhà thờ, gần chợ và trung tâm hành chánh, trên con lộ chính của thành phố” (AMG NJ 453 D.6). Đặc biệt, để san bằng lô đất, chính quyền thành phố đã huy động các tù nhân lao động suốt 240 ngày (có lương hẳn hoi). Ngày nhập học có 26 em nội trú. Chín tháng sau, vào tháng 12/1899, số nội trú là 42 em.


-------------------
[1] 1. Giám mục Jean Baptiste Taberd, tên thật là Jean Louis (tên Việt là Từ). Giám mục Nam kỳ từ 1827 đến 1840.
... Vua Minh Mạng, vì muốn ngăn cản giám mục Taberd đi truyền đạo nên đã giữ ngài làm thông dịch viên trong Nội Điện. Ngài có bản viết tay cuốn tự điển An Nam - La tinh - Trung Hoa, do giám mục Pigneau de Béhaine soạn thảo. Ngài còn soạn riêng cuốn tự điển An Nam - La tinh.
... Vua Prasat Thong cầu xin ngài đi theo quân đội đánh chiếm Đông Dương nhưng ngài từ chối. Việc từ chối này đã gây khó khăn rất nhiều cho hoàn cảnh của ngài lúc bấy giờ.
... Ngài tìm cách và thành công trốn sang Singapour.
2. Linh mục De Kerlan, tên thật là Juhel des Isles.
... Với nguồn tài trợ riêng, ngày đã thành lập trường Taberd, nhằm nuôi dưỡng và giáo huần trẻ em nghèo bị bỏ rơi, và đặc biệt cho con em Tây lai.
... Ngài qua đời năm 1877 vì bệnh sởi ngài bị lây phải khi đón nhận và chăm sóc cho một người bệnh đã đến thời khó trị.


(Hồ sơ D8f6 ghi lại và lưu giữ trong văn khố Dòng La San tại Rôma. Đối chiếu với Lm Bùi Đức Sinh (1997) Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, quyển Hai, trang 48)


[2] Vua Thành Thái lên ngôi năm 1888 và thoái vị năm 1907 (GCCND). Xem Sư huynh Lê Thành Tốt (2002), Lược Sử Dòng La San Tại Việt Nam, trang 47.


[3] Đến năm 1950 đổi tên là Tỉnh Dòng Sài Gòn.


[4] Nguồn khác (theo Sư huynh Gustave Đức) là ngày 17 tháng 12 năm 1895.


6 Bây giờ là góc đường Phan Đăng Lưu và Nơ Trang Long, đối diện với Trường Đại Học Mỹ Thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét