6/5/15

Trường Trung Học La San Buôn Mê Thuột

Hân hạnh giới thiệu cùng anh chị em gia đình La San, quý Sư huynh, cựu Sư huynh và quý cựu học sinh La San lịch sử tóm lược Trường Trung Học La San Buôn Mê Thuột.
Đây là bài viết tóm lược để đưa vào trong kỷ yếu 150 năm La San Việt Nam, vì vậy chúng tôi mong nhận được sự góp ý chân thành từ mọi thành viên gia đình La San. Mọi thông tin trao đổi xin trực tiếp với Sư huynh Giuse Lê Văn Phượng.

TRƯỜNG TRUNG HỌC LA SAN BAN MÊ THUỘT
1959 - 1975

Ban Mê Thuột còn thuộc về địa phận Kontum dưới quyền điều khiển của Đức Cha Kim (Paul Seitz), nhiều lần Ngài đã tỏ ý với Sư huynh Giám Tỉnh Cyrien cho các Sư huynh về mở trường tại Ban Mê Thuột. Vào năm 1959, cha xứ[1] Ban Mê Thuột đã thành công trong việc thúc đẩy các Sư huynh La San dấn bước lên vùng cao nguyên để phục vụ giáo dục. Ngày 20/07/1959, bốn Sư huynh được cử về chuẩn bị khai giảng niên khóa đầu tiên. Lúc bấy giờ Cha sở nhường lại ngôi nhà để mở một trường nhỏ với chín lớp học. Ngay ngày tựu trường,10/08/1959, đã có 386 trẻ gồm Việt[2] và “dân tộc” (Rhadé), có đạo Chúa hay không, đã trình diện và được chia ra làm 9 lớp, từ lớp mẫu giáo (12è) đến lớp đệ ngũ (5è). Bốn (04) sư huynh mời thêm 08 thầy giáo để liên kết điều hành trường và bảo đảm công tác giảng dạy. Vài tháng sau, sĩ số học sinh lên đến 431 em.

Ảnh hưởng Trường La San mỗi ngày một lan rộng, các phụ huynh học sinh gởi con em tới thụ huấn ngày càng đông. Ngôi trường cũ, thửa đất cũ trở nên nhỏ bé chật hẹp. Các Sư huynh liền xin chính quyền một thửa đất mới, rộng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu mới và tương lai. Năm 1962, chính quyền vui lòng giúp cho khoảng đất trên đồi rộng 69 ha 33, cách thị xã 3 cây số. Cơ sở này được xây thành chữ U, chia làm 14 phòng học. Đây là một ngôi trường được xây cất theo lối kiến trúc tối tân, có 3 tầng lầu, dài 120m, rộng 12m, một hội trường và phía trên là một ngôi tháng đường cao 15m cắt 1/3 chiều dài dãy nhà. Trước mỗi phòng học có một mái hiên rộng dài dùng làm nhà chơi hay nơi hội họp.

Đầu tháng 4 năm 1963, Dòng La San sửa chữa “Xưởng Têrêxa”. Cơ sở này thuộc nhà chung giáo phận Kontum và được Đức cha Seitz nhường lại cho dòng La San để bù lại khu đất mà trên đó trường La San đang hoạt động và sẽ được giáo phận trao cho các nữ tu Bác Ái Thánh Vinh Sơn. Sau ba tháng sửa chữa và có khi thay đổi sâu xa cấu trúc, khu cơ xưởng đã hoàn toàn đổi mới. Cơ sở với 14 lớp học khang trang, rộng rãi, đã mở cửa để vui mừng đón 500 em học sinh tiểu học vào ngày tựu trường 15 tháng sáu năm 1963. Đến tháng 6 năm 1963, La San tách ra thành 2 trường: Tiểu học Lam Sơn và Trung học La San.

Từ 03/07/1964, các lớp trung học được dời lên ngọn đồi bên cổng số 2, gọi là Trung Học La San đồi. Trường có 20 phòng học (mỗi phòng có diện tích 8x8m), một nhà ngủ cho học sinh nội trú trên lầu 3, một hội trường rất rộng lớn, và một thánh đường mà Thánh giá đặt trên nóc cao khỏi đất 15m.

Sau 10 năm hoạt động, năm 1970, tại Ban Mê Thuột có 9 Sư huynh cùng với 36 giáo viên điều hành và giảng dạy tại hai 2 trường Trung Học La San Đồi và trường Tiểu Học Lam Sơn: 16 thầy cô trên ban trung học và 20 giáo viên ở ban tiểu học. Họ rất tận tâm trong việc dạy dỗ học sinh La San.

Số học sinh ngày càng tăng thuộc đủ các các tộc, tôn giáo, vui vẻ học tập trong tinh thần tự do chân chính và cố gắng phát huy khả năng con người, để trở nên công dân hoàn hảo, đúng với chủ trương giáo dục La San, ngoài chương trình phổ thông, trường còn mở các khóa sinh ngữ, điện tử, hội họa và môn võ thái cực đạo. Cuối mỗi niên khóa, thí sinh tú tài đều trúng tuyển với tỷ số rất cao 80%, 85%, 98%.

Biến cố 1975, toàn thể nước Việt Nam thuộc quyền cai trị của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Với chính sách quốc hữu hóa giáo dục nhà nước tiếp quản toàn bộ cơ sở tôn giáo, các Sư huynh cũng buộc phải ký vào các biên bản giao trường cho chính phủ. Năm 1977, Sư huynh Jules Nguyễn Chí Hòa, đại diện Dòng La San ký giao toàn bộ cơ sở của Trường La San Đồi (nay là Trường cao đẳng sư phạm tỉnh Daklak) cho chính quyền để lập Trường Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột với sự chứng kiến của đại diện Tòa Giám Mục Giáo phận Ban Mê Thuột, Chủ tịch UBND Tỉnh Daklak, Chủ tịch UBND Thị xã Buôn Mê Thuột và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Mê Thuột.

Đến ngày 23 tháng 6 năm 1977, ở tư thế của kẻ nắm quyền, Chủ tịch UBND tỉnh DăkLăk đã ký quyết định ra lệnh các Sư huynh đang sống tại Trường La San Đồi phải tiến hành di chuyển khẩn trương về khu Trung tâm huấn nghệ thuộc phường Thắng Lợi, Thị xã Buôn Ma Thuột, hạn chót là ngày 30 tháng 6 năm 1977.

Sau khi các Sư huynh mất toàn bộ trường học, Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột đã đề nghị và “được chính quyền cách mạng chấp thuận” giao một phần Trung Tâm Huấn Nghệ cho các Sư huynh để tổ chức đời sống và sinh hoạt tu trì. Linh mục Giuse Trần Văn Phúc đại diện Tòa Giám Mục ký bàn giao cho các Sư huynh ngày 24/6/1977.

Ngày 05 tháng 10 năm 1977, theo thông tư số 409 của UBND cách mạng, Sư huynh Paulien Nguyễn Văn Tính phải ký giao Trường La San Lam Sơn (nay là Trường Trung cấp chính trị thành phố).

[1] Gioan-Baotixita Trần Thanh Ngoạn
[2] Cách gọi cho là tôn kính vào thời trước 1975, nhưng sang tk 21, gọi kinh, dân tộc có vẻ tôn trọng hơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét