6/5/15

Trường La San Kỹ Thuật Đà Lạt

Hân hạnh giới thiệu cùng anh chị em gia đình La San, quý Sư huynh, cựu Sư huynh và quý cựu học sinh La San lịch sử tóm lượcTrường La San Kỹ Thuật Đà Lạt
Đây là bài viết tóm lược để đưa vào trong kỷ yếu 150 năm La San Việt Nam, vì vậy chúng tôi mong nhận được sự góp ý chân thành từ mọi thành viên gia đình La San. Mọi thông tin trao đổi xin trực tiếp với Sư huynh Giuse Lê Văn Phượng.

TRƯỜNG LA SAN KỸ THUẬT ĐÀ LẠT 
1960 - 1975


Tiền thân của trường là “xưởng học Nicolas” thuộc nhà thờ thánh Nicolas (nay là nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt), được Đức Cha Harnett[1] tặng và trợ giúp cho việc xây dựng cơ sở.

Ý tưởng thành lập một cơ sở dạy kỹ thuật được Sư huynh Giám tỉnh Cyrien Gẫm Trần Văn Thiên gợi lên từ năm 1956, mãi đến năm 1960 mới được Sư huynh Giám Tỉnh Bernard Bường Lê Văn Tâm thực hiện.

Ngày 2/9/1960, trường chính thức khai giảng. Hiệu trưởng đầu tiên là Sư huynh Alexandre Lê Văn Ánh, Kỹ sư ECAM, Lyon, Pháp và tốt nghiệp Trường xã hội công nghiệp của Phân khoa Công giáo Lyon.


Mục đích của trường là đem lại cho giới trẻ một nền giáo dục nhân bản và Kitô giáo. Huấn luyện cho các em kỹ thuật tương ứng với các nhu cầu của đất nước, để trở thành một người thợ đa năng, biết làm việc với một lương tâm nghề nghiệp và niềm đam mê công việc tay chân.

Khai giảng niên học 1961-1962, hai sư huynh Alexadre Ánh và Guillame Khai bị tổng động viên, nên Sư huynh Cyrien Thiên được bổ nhiệm làm hiệu trưởng thay thế. Năm học ấy, ngoài hai ban Mộc và Nguội, Sư huynh mở thêm chuyên ngành: Ô tô (xe hơi), điện, vẽ công nghiệp và “tours à métaux” và mời các thầy giáo ngoài tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghề cho 47 học sinh (trong đó có 4 em là người dân tộc). Để giúp học sinh làm quen với kỷ luật, bảo đảm thực hiện tốt công việc, thúc đẩy sáng kiến, ý thức cao về trách nhiệm, trường tổ chức “Hiệu đoàn Kỹ thuật La San” - một hình thức tổ chức hàng đội. Hiệu đoàn gồm 5 đội mang tên một vị anh hùng dân tộc. Mỗi đội gồm khoảng 12 đội viên và công tác chính yếu là công việc làm của mỗi một ngành học. Đội trưởng thường là một học sinh năm thứ hai. Đội sẽ bảo đảm thi hành các việc như: công tác vệ sinh sau buổi tập huấn, thứ tự, kỷ luật, săn sóc ý tế, văn nghệ, thể thao, cắm trại …

Trường được sự quan tâm của các cấp đạo đời và hân hạnh đón tiếp nhiều vị lãnh đạo cấp cao và nhiều ân nhân trong nước cũng như ngoài nước đến thăm và hỗ trợ kinh phí cho việc phát triển trường và mau sắm thiết bị.

Sĩ số ngày càng tăng, đến năm 1969 con số học sinh lên đến 645 em trong đó có 60 em nội trú. Tỉnh Dòng đầu tư xây dựng phát triển cơ sở và mua sắm thiết bị máy móc tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập.

Năm 1975, theo chính sách quốc hữu hóa giáo dục, Trường Kỹ Thuật Đà Lạt bị trưng dụng trao cho Sở Giáo Dục Lâm Đồng thành lập Trường Kinh Tế - Kỹ Thuật Lâm Đồng. Một sự hoán đổi mà bên ra đi không có quyền được lên tiếng.





[1] Giám Đốc Catholic Relief Service, USA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét