26/5/14

Bài Dự Thi 150 Năm Lasan số 27: Bề Trên Cả

Bài viết dự thi "Mái Trường La San Thân Yêu" số 27 với tựa dề "Bề Trên Cả" của tác giả Lâm Đức Huệ, cựu học sinh La San Cần Thơ 1968 -1975
Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nhận bài dự thi, xin gửi về
info@lasan150.org hay webls150@gmail.com


BỀ TRÊN CẢ


Mùa Giáng sinh 1978, vợ chồng tôi sau khi tốt nghiệp sư phạm đã tình nguyện đi chi viện cho Tỉnh Minh Hải. Sau đó, chúng tôi được phân công về vùng Chắc Băng – Cạnh Đền (xã Ninh Thuận Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Minh Hải – nay là huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu).

Đây là vùng đất mà người dân bản địa, thuộc bán đảo Cà Mau nghe nói đến địa danh U MINH – TRÈM TRẸM – CHẮC BĂNG – CẠNH ĐỀN là còn “oải”, nổi da gà, chớ đừng nói chi đến chúng tôi, dân thành phố xuống đây nhận công tác giảng dạy. Đó là vùng đất mà sáng sớm khi mặt trời mọc chưa qua khỏi ngọn tràm là người dân chưa dám ra đồng vì:

Bù mắc như trấu vải
Vắt đeo đầy ngọn năng.

Đến chiều, trời vừa chạng vạng, tất cả mọi sinh hoạt của người dân đều ở trong mùng, từ chuyện cơm nước, chấm bài, soạn giáo án, nghe “đài” (nghe ra-đi-ô) thậm chí đến việc vệ sinh cũng hạn chế ra khỏi mùng , do:

Muỗi kêu như sáo thổi
Đĩa lội lềnh như bánh canh.

Đó là vùng đất mà hai vợ chồng tôi có đầy ấp kỷ niệm khó quên của thời kỳ bao cấp. Tuổi thanh xuân của chúng tôi đã qua đi ở cái vùng “khỉ ho, cò gáy – chó chạy cong đuôi” này. Chúng tôi đã xây dựng và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Minh Hải, trong những ngày đầu sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ngày hôm nay. Vợ chồng tôi đã gần 60 tuổi, có những đêm cúp điện, hai đứa tôi ngồi uống trà bên cây đèn dầu giửa thành phố mà nhớ đến vùng đất xa xôi ấy. Vậy mà đã gần 40 năm trôi qua mình đã sống và giảng dạy, nhớ đến những đứa học trò đầu tiên, những bạn đồng nghiệp cùng cảnh ngộ, từ phương xa về đây đứng lớp, bám trường.

Nhớ những buổi lên lớp đầu tiên với những gương mặt ngây thơ, đen đúa, đầu hôi mùi khét nắng, nhớ những cơn mưa đầu mùa của rừng U Minh Thượng, tan trường về nhà không còn nóc, nhớ những buổi đi dạy xắn quần, không giày dép lên lớp…

Trong những đồng nghiệp, đồng cảnh ngộ xuống đây giảng dạy, hai vợ chồng tôi không bao giờ quên anh (đã lâu rồi không liên lạc được). Anh Trần Minh Thành – dân Phú Nhuận, Sài Gòn. Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, hoán chuyển về đây công tác chưa đầy một năm thì đất nước được giải phóng. Anh là nhân vật mà tôi muốn kể ở đây có mối quan hệ với một người thầy mà tôi hằng kính trọng.

Những năm đầu sau ngày giải phóng, nền kinh tế, giáo dục, văn hoá xã hội, y tế… ở Miền Nam hoàn toàn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Vùng đất mà chúng tôi đang ở là vùng đất hoang hoá, đất đai chua mặn, dân cư thưa thớt, giao thông chủ yếu bằng chân (đi bộ) hoặc bằng tay (bơi), muốn đi đâu cứ nhắm hướng băng đồng mà đi (vì lúc đó chưa có đường giao thông nông thôn).

Ban đêm, hầu hết các hộ dân đốt đèn bằng dầu mù u, hoặc dầu cá (dầu lửa rất hiếm), mọi thứ đều thiếu thốn, chỉ duy nhất gạo và cá mắm nhiều vô kể, rẻ như cho không.

Tất cả giáo viên ở đây đều là dân tứ xứ: Long An, Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai… về đây giảng dạy, còn dân bản địa làm giáo viên là rất ít. Mỗi người đến đây đều có những hoàn cảnh khác nhau, cảnh ngộ cũng khác nhau.

Sau ngày 30 tháng 4, những giáo sinh sau khi tốt nghiệp không còn quyền lựa chọn nhiệm sở nữa, mà theo lý lịch, như công dân loại 1, 2, 3, 4 được ở lại thành phố, thị xã dù điểm tốt nghiệp không cao, còn công dân loại 5, 6, 7, 8 “được” về “vùng khỉ ho, cò gáy”, cuối cùng là loại 9, 10, 11, 12 “được” ra hải đảo, biên giới, vùng cao… Như bọn tôi đây thuộc công dân loại 7, “được” về đây là tốt phước lắm rồi (ngoài ra còn có một số tự nguyện đi ra hải đảo đều có ý đồ).

Ông bà ta ví “cực như con chó”, bọn tôi lúc đầu xuống đây cực còn hơn con chó, cho nên thân phận chúng tôi không biết xứng đáng xếp hạng con gì? Ông thầy Xuân dân Sài Gòn, xếp hạng chúng tôi là “con giòi”. Bởi vì ở đây người ta không nói cực như chó mà nói khổ như giòi. Trường lớp ở đây thì trường không ra trường, lớp không ra lớp, lớp học toàn bộ cột bằng cây đước, kèo, đòn tay, mầm là cây tràm, mái nhà lợp bằng lá dừa nước xé đôi (lá xé), vách cũng bằng lá xé (một mái nhà lợp bằng lá xé dầy khoảng 6-7cm), thời gian sử dụng khoảng 5 năm.

Cuối năm học, ba tháng hè, trường bị phụ huynh sử dụng làm kho chứa nông sản, phân bón, trâu, bò… Cho nên, hằng năm gần đến ngày khai giảng nhà trường đều phải tu sửa lại. Sách giáo khoa thì 3 em 1 cuốn (cho mượn). Năm đầu còn đủ trang, đủ bài, qua năm sau thiếu trang, thiếu bài.

Nguyên nhân là do cha chúng nó xé sách giáo khoa để vấn thuốc rê hút. Tập vở thì thiếu trầm trọng. Học sinh cấp 1 mỗi em được mua 3 cuốn. Học sinh cấp 2 mỗi em được mua 8 cuốn, chất lượng giấy rất xấu, màu vàng, bột giấy xử lý không kỹ nên còn lẫn rơm và rác.

Về chuyên môn, giáo viên cấp 1, một buổi dạy 2 hoặc 3 khối lớp khác nhau cùng một lúc (lớp ghép) do thiếu giáo viên và học sinh (một lớp có 25 học sinh vừa có lớp 2, lớp 3 và lớp 4). Riêng trường có cấp 2, mỗi giáo viên “ôm” hết cả khối tự nhiên hay xã hội. Cuối năm ký học bạ học sinh thầy cô thấy hổ thẹn và đau lòng vì nó “không giống ai”.

Hồi đó, tôi học ngữ văn về đây dạy môn: lịch sử, địa lý, công dân giáo dục, văn, ngoại ngữ. Nếu là giáo viên chủ nhiệm thêm chử ký rèn luyện thân thể, hạnh kiểm… Nhìn trong học bạ chỉ có 3 hoặc 4 chử ký của giáo viên (kể cả của Hiệu trưởng).

Ôi thôi! cực tứ bề! Tuy nhiên, mặc dù gian khó và cơ cực như vậy, nhưng tất cả giáo viên chúng tôi đều có tinh thần “yêu nghề mến trẻ, bám trường bám lớp”. Nhìn các em quần vo áo vận, lặn lội đi bộ hằng năm, bảy cây số đến trường mà chúng tôi không thể nở bỏ trường, bỏ lớp. Đôi khi vào mùa vụ có lớp chỉ còn năm bảy em học sinh, thầy vẫn dạy.

Ra trường cùng lúc với tôi có thằng Minh (Nguyễn Ngọc Minh) là dân ngũ niên La San Khánh Hưng (La San Sóc Trăng) được phân công về Bà Ai làm Hiệu trưởng (Bà Ai là điểm trường vùng sâu của huyện). Hắn ta vừa làm Hiệu trưởng, vừa đứng lớp, vừa làm “bảo vệ” các cô giáo.

Hằng đêm khu tập thể, dãy phòng của các cô giáo, thường xuyên bị các anh du kích đến chọc phá và sàm sở, hoảng sợ các cô kéo đến dãy phòng của thầy Hiệu trưởng và giáo viên nam ở cho an toàn. Vô tình nó kiêm luôn trưởng ban bảo vệ. Cứ tưởng vậy là ổn, có đêm đang ngủ các cô la toáng lên có bài tay từ bên ngoài thò vào quờ quạng (do vách bằng lá). Để an toàn, các cô ban ngày dạy xong, đem bảng đen vào phòng ngủ tấn chung quanh mùng, sáng đem bảng xuống lớp, cứ vậy mà sống mà dạy.

Hôm nào, thầy Hiệu trưởng bận họp ở phòng giáo dục huyện không về được thì thầy phân công các giáo viên nam trực trường cho các cô yên tâm.

Cuộc sống khổ là như thế, nhưng các thầy cô ít ai than vãn điều gì. Đặc biệt là anh Thành, chưa bao giờ thấy anh chán nản, ngại khó. Lúc nào cũng thấy anh cười vui với các em. Anh sống nhẫn nại, nhiệt thành và kèm hãm.

Suốt 3 năm dài, kể từ ngày về đây công tác, chưa mùa hè nào anh về quê quá một tháng, ngoại trừ các buổi học tập chính trị và nghiệp vụ, thời gian còn lại anh ở tại trường, làm đất chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Thời điểm này tại huyện nhà còn rất nhiều cánh đồng hoang, bao la nhưng chua mặn. Dân ở đây gọi là “cánh đồng chó ngáp” hay “chó chạy cong duôi”. Những cánh đồng này bạt ngàn, mênh mông, nhưng năng suất lúa rất thấp, do hệ thống nội đồng chưa có nên đất chưa được rửa phèn xả mặn.

Từ bao đời nay người nông dân ở đây chỉ biết lên liếp trồng khóm, trúc (trúc đương làm mê bồ ví lúa) và bán các sản phẩm nầy mùa lúa ăn. Nơi nào đất gần kinh ít phèn thì làm một vụ mùa mưa.

Anh Thành biết tôi là dân Cần Thơ, nhà trước cổng trường Đại học Cần Thơ, nên nhờ tôi liên hệ các thầy cô trong khoa Nông nghiệp, bộ môn Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để xin tài liệu, giống lúa mới chịu hạn, kháng rầy và xin làm cộng tác viên, nhận làm đất trình diễn… Ngoài ra anh còn liên hệ với phòng Thuỷ lợi, tư vấn quy hoạch thuỷ lợi nội đồng.

Anh học ở dân, dân học ở anh, nhờ anh hướng dẫn, trình diễn phương pháp kỹ thuật canh tác mới, nhằm nâng cao năng suất lúa. Với đức tính khiêm nhường, nhân đức và nhiệt thành trong cuộc sống, anh được bà con nông dân và phụ huynh yêu mến.

Ngay từ buổi đầu đặt chân xuống đây công tác và biết anh, tôi thấy ở anh có một cái gì đó khang khác mọi người. Tôi có cảm giác như đã quen anh từ lâu, học chung một trường, chơi chung một nhóm, phong cách sống không giống những giáo viên khác, mà na ná như phong cách của bọn tôi.

Tôi đem suy nghĩ của mình nói với thằng Minh, nó cũng công nhận những lời nhận xét của tôi là đúng “Anh ấy, là dân La San chánh hiệu”. Đó là đức tính: QUẢNG ĐẠI – NHÂN ĐỨC – KHIÊM NHƯỜNG – NHIỆT THÀNH – NHẪN NẠI, THINH LẶNG và KÈM HÃM.

Do hoàn cảnh địa hình, địa bàn cư trú, tất cả các thầy, cô ở đây đều có tâm trạng “buồn” , cho nên các thầy chiều chiều là gày sòng “nhậu” nên tửu lượng cao. Anh cũng uống rượu với đồng nghiệp và bà con nông dân trong các buổi lễ tiệc, nhưng anh không bao giờ “nhậu”, mà dành thời gian cho việc giảng dạy và đồng áng. Đây là điểm tương đồng giửa tôi và anh. Hai đứa tôi biết “kèm hãm” bản thân. Tôi còn hút thuốc lá, anh thì nữa điếu cũng không. Bao nhiêu thuốc lá chế độ (25 gói/tháng), anh đều bán hết để đầu tư vào tài liệu, sách báo giảng dạy, đồ dùng dạy học và nông nghiệp. Cuộc sống của anh rất nhàn nhã và thú vị.

Tôi và anh biết nhau được một năm qua công tác giảng dạy và sinh hoạt hằng ngày, chỉ một năm sống ở vùng đất chua mặn này, mà tôi đã trở thành dân bản địa thứ thiệt.

Chúng tôi ăn, ở, mặc và sinh hoạt như những người dân địa phương, đi dạy không mang giày, dép (vì quai bị đứt liên tục). Quấn áo đơn giản chỉ có 2 màu đen hoặc xanh dương, ít mặc quần áo màu sáng, vì ở đây nước mặn xà bông giặt không có bọt, nên áo trắng dễ bị ngã màu. Mùa khô mặc một cái quần kaki xanh dương đi ngang qua cánh đồng năng dài khoảng 5 cây số, thì quần xanh sẽ trở thành màu vàng của phèn.

Thú thật mà nói, tôi cũng là dân chịu khó và dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh, ăn uống rất đơn giản như ông bà ta “lưu dân Nam bộ” cách đây vài thế kỷ khi đến vùng đất nầy.

LUỘC – NƯỚNG – KHO – MUỐI HỘT, ỚT, CƠM MẼ và rau dại cứ thế mà sống, muốn cầu kỳ, có tiền cũng không có hàng để mà mua.

Là một thanh niên thành thị về đây sinh sống, chỉ một năm mà tôi đã biết đặt lờ, đặt trúm, soi cá, chỉa cá, chài, giậm cù, bơi, chèo… như mọi người. Nhưng tôi phục anh với tài bắt cá bằng 2 tay, không có bất kỳ dụng cụ đánh bắt nào đi kèm.

Những ngày lễ, Chúa nhật anh thường vắng trường, theo thông lệ hằng tuần, cứ mỗi chiều thứ bảy là anh đi chợ Ngan Dừa (cách trường hơn 10 cây số) và ngủ đêm tại nhà một người bạn cũng là giáo viên, rồi sáng sớm (4 giờ) đi uống cà phê, mua đồ lặt vặt rồi về. Nhưng thông thường khi về đến trường thì trời đã tối. Mọi người không biết anh đi đâu? làm gì? suốt buổi sáng ngày Chúa nhật. Đồng nghiệp có người kháo nhau là anh có vợ ở Cầu Sập – Vĩnh Lợi, thậm chí có người nghĩ xấu về anh và cho rằng anh đang làm một việc gì đó mờ ám.

Hình như có ai đó báo với anh, cho nên có khoảng thời gian sau nầy, chuyện đi chợ Ngan Dừa không còn thường xuyên nữa mà thi thoảng hai hoặc ba tuần đi một lần và đổi hướng đi khác xa hơn.

Mùa hè năm 1979, tôi có thằng bạn tên Long học chung Trường La San Cần Thơ, công tác ở xã Lương Tâm – Long Mỹ – Hậu Giang, là xã giáp ranh với Ngan Dừa. Trường nó gần Nhà thờ Tô-Ma (xã Lương Tâm có Nhà thờ Lương Hoà, Lương Thiện, Lương Tâm (Tô-Ma). Là dân Công giáo nên nó thường xuyên đi lễ sáng sớm rồi đi dạy.

Hè nầy, nó xin lễ với Cha sở, THÁNH LỂ BỔN MẠNG THÁNH GIOAN LA SAN và được Cha chấp thuận. Nó mời vợ chồng tôi và thằng Minh đến Nhà thờ Tô-Ma dự Thánh lễ, tôi rủ thêm 2 thằng bạn nhà ở xã Xà Phiên – Long Mỹ là dân Taberd Sài Gòn – tam niên, La San Cần Thơ – tứ niên cùng đến dự. Đúng ngày giờ hai vợ chồng tôi và thằng Minh chèo ghe đến nhà bạn Long và gặp hai đứa ở Xà Phiên đã đến trước. Sáu đứa tôi cùng dự Thánh lễ và sau lễ có buổi tiệc do bạn Long đãi.

Điều tôi bất ngờ khi bước chân vào giáo đường, tôi gặp anh Thành cũng đang chuẩn bị đón Thánh lễ Bổn mạng Thánh Gioan La San, gặp tôi gương mặt anh có vẻ căng ra và đăm chiêu. Để tránh căng thẳng, tôi nói nhỏ vào tai anh, sau Thánh lễ đến dự tiệc nhà thằng Long, tất cả đều là dân La San. Anh vui vẻ nhận lời.

Hôm đó, sáu đứa tôi và anh Thành là bảy đứa, mừng Thánh lễ tại một vùng “khỉ ho, cò gáy” thật vui. Chúng tôi, bảy đứa hợp lại thành “một đàn con” để cùng hiệp dâng mừng Cha nhân ái GIOAN. Đàn con bảy đứa hôm nay sướng vui tưng bừng, cùng hiệp dâng lên muôn tiếng hát vang. Chúng tôi ca hát rất vui.

CÁI NHÀ LÀ NHÀ CỦA TA
ÔNG CỐ LA SAN LẬP RA
CÁC CON HÃY GÌN GIỮ LẤY
LÂU LÂU LẤY LỬA ĐỐT NHÀ.

Điều thú vị mà tôi vui nhất, đó là tại vùng đất xa xôi, hẻo lánh này có một đàn con “nhà Dòng” cùng nhau chịu cực, chịu khổ đem “sứ điệp” của Cha nhân ái, giáo dục thanh thiếu niên “tính nhân bản”. Mặc dù là dân thất niên La San, đã bảy lần dự Lễ Bổn mạng Thánh Gioan La San, nhưng hôm nay là ngày lễ vui nhất, tưng bừng nhất trong không khí gia đình anh em La San một nhà (3 Taberd, 2 Cần Thơ, 1 Khánh Hưng, 1 dâu La San).


Giữa năm 1975, ngày tôi rời khỏi Trường La San Cần Thơ và một năm sau đó, tất cả 23 cơ sở giáo dục Trường La San và 3 Trường Đại học của Dòng La San Việt Nam tại Miền Nam Việt Nam bàn giao cho chính quyền cách mạng. Lúc đó, tôi nghĩ sẽ không có ngày đàn con La San cùng hiệp dâng được nữa. Chúa đã quan phòng cho chúng tôi có ngày hôm nay và tôi cầu xin hằng năm chúng tôi sẽ họp đàn tại đây (thực tế năm sau chúng tôi không kết đàn lại được vì nhiều lý do: chuyển công tác, vượt biên, bỏ nhiệm sở , Long bị rắn độc cắn chết).

Sau buổi tiệc ở nhà bạn Long, bốn đứa tôi xuống ghe về trường với tinh thần rộn rã niềm vui. Riêng anh không được vui mấy, vì chuyện anh đi nhà thờ thường xuyên ở đây đã bị “lộ”. Trên đường đi, bốn đứa tôi hứa với nhau không kể chuyện ngày hôm nay cho ai nghe. Những năm đầu sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng vì một lý do chính trị tế nhị, một số anh, chị, em có học trường Công giáo thời phổ thông, sau nầy ra trường công tác ở những vùng xa “mặt trời” rất ngại nói đến ngôi trường mà mình đã học, thậm chí có người không khai mình là dân Kitô hữu và nếu đi dự Thánh lễ cũng chịu khó đi xa nhà thờ nơi mình công tác (tại xã Vĩnh Lộc chúng tôi đang sống cũng có 2 ngôi giáo đường).

Anh Thành cũng vậy chịu khó đi xa hàng chục cây số để nhận lãnh Bí tích và tránh mọi người biết.

Kể từ ngày họp đàn đó, tôi và anh càng thân nhau hơn, gần gủi nhau, giúp đở lẫn nhau như anh em đồng môn học chung một trường. Khi đã cởi mở, tôi nói với anh là ngay từ buổi đầu gặp nhau, nhìn phong cách làm việc, giao tiếp và xử thế của anh với đức tính NHÂN ĐỨC – QUẢNG ĐẠI – KHIÊM NHƯỜNG là biết con nhà “Dòng” và anh cũng nhận xét tôi giống như tôi đã nhận xét về anh.

Hai đứa tôi nhìn nhau, bắt tay nhau cười giòn cùng nói “chỉ có con nhà Dòng mới có cảm giác như thế” và có một điều anh phát hiện được tôi, một trong bảy đứa không phải là dân Kitô hữu, anh động viên tôi nhận Bí tích Thánh Tẩy, tôi hứa sẽ gặp Cha xin học lại giáo lý, rồi trôi dần đến ngày hôm nay. Ngày 31 tháng 5 năm 2013 tôi nhận Bí tích Khai tâm, Bí tích chửa lành.

Trong quá trình công tác, tôi và anh có chung một sở thích là nguyên cứu lịch sử. Đặc biệt là lịch sử địa phương, tôi và anh tham gia biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương sơ bộ, kết quả được anh em trong Ban lịch sử Đảng đánh giá cao và mời anh em tôi tiếp tục tham gia nghiên cứu tổng hợp chiến tranh và tổng kết chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi từ chối vì tôi lúc đó đã có con nhỏ và anh đang vướng nghiên cứu về dự án nông nghiệp.

Anh là cựu học sinh Trường Louis Taberd (La San Taberd Sài Gòn), còn tôi là cựu học sinh La San Cần Thơ. Hai trường cách nhau gần 200 cây số và anh học hơn tôi 6 năm. Nhưng có một điều thú vị là cả hai chúng tôi có chung một kỷ niệm về một người thầy, một con người đã ảnh hưởng đến nhân sinh quan của chúng tôi, đi sâu vào tâm thức của chúng tôi, trong đời sống thường nhật và trong tư tưởng hành động. Một người thầy đã theo tôi suốt chặn đường công tác giảng dạy trong ngành giáo dục. Người là tấm gương sáng cho thế hệ chúng tôi noi theo.

Đó là Bề Trên Cả Cyprien Gẫm Trần Văn Thiên, Cựu Bề Trên Giám tỉnh Tỉnh Dòng La San Việt Nam (1951 – 1960). Cựu Hiệu trưởng Trường La San Taberd Sài gòn (1951 – 1954 và 1960 – 1961). Cựu Hiệu trưởng Trường La San Kỹ thuật Đà Lạt (1961 – 1965). Cựu Hiệu trưởng Trường La San Cần Thơ (1966 – 1971). Đặc biệt Ngài là người Việt Nam đầu tiên giử chức vụ Bề trên Giám tỉnh và Hiệu trưởng Trường Taberd Sài Gòn (hai chức vụ nầy do các sư huynh Bề trên người nước ngoài đảm nhiệm).

Trong giai đoạn lịch sử đất nước có nhiều biến động, Tổ quốc tạm thời bị chia đôi, lấy đôi bờ giòng sông Bến Hải chia cắt Bắc Nam (Hiệp định GENEVE – 1954). Ngài phải di chuyển liên tục từ Nam ra Bắc để chuyển hàng ngàn học sinh, chủng sinh các Trường La San phía Bắc cùng toàn bộ tài sản của Dòng.

Tại Miền Nam, Ngài phải mua đất cất trường, xây dựng thêm phòng học, cơ sở vật chất đã có, mở trường mới theo khu di cư, mở thêm Tu viện, Đệ tử viện… cho các chủng sinh tu tập từ khắp nơi đồng bằng đến cao nguyên Trung phần. Mặc dù công việc đa đoan như vậy Ngài cũng không quên quan tâm đến học sinh khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em lai và trẻ em khuyết tật do hậu quả chiến tranh để lại và mở ra các trường mang các loại hình đặc thù riêng.

Với tinh thần giáo dục tính nhân bản Kitô giáo cho thanh thiếu niên Việt Nam, Ngài đã xét miễn giảm học phí và cấp học bổng cho các em gặp nhiều khó khăn, trong đó có gia đình anh Thành.

Anh đã kể cho tôi nghe những kỷ niệm khó phai của anh và gia đình mà Bề trên Cyprien Thiên đã để lại những ấn tượng sâu sắc đó. Cũng như tôi đã kể lại cho anh nghe những kỷ niệm và việc làm của Bề trên đối với học sinh, bà con chung quanh Trường La San Cần Thơ. Đặc biệt là những kỷ niệm của tôi và Bề trên.

Chúa là Đấng Tối Cao, luôn luôn đi trước mọi vấn đề của đời sống Kitô hữu và Chúa đã quan phòng cho anh em tôi gặp nhau tại một nơi “khỉ ho, cò gáy” này để vinh danh một con người suốt cuộc đời tận tuỵ phục vụ Giáo hội, Dòng và “đàn con” thân yêu. Đó là sự mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Cuộc đời anh, nếu không có Bề trên Cyprien thì sẽ không có ngày hai anh em tôi gặp nhau nơi đây. Nếu không có Bề trên Cả cuộc đời anh sẽ không biết về đâu và gia đình anh sẻ không được như ngày nay, anh kể.

Gia đình anh ở Phú Nhuận, có tất cả 5 anh chị em (3 gái, 2 trai) anh là người con áp út. Ba làm nghề thợ mộc (đóng bàn ghế, tủ). Người gốc Gò Công, mẹ làm bánh truyền thống bán ở chợ (bánh bò, bánh bèo, bánh da lợn…) Hai chị đầu học hết lớp nhứt (lớp 5) nghỉ học theo mẹ, chị hai được mẹ cho một gánh ra riêng, anh trai học hết lớp ba nghỉ học theo nghề mộc của ba. Riêng anh được ba và các anh chị cho học tới nơi, tới chốn, vì lúc đó anh học cũng giỏi. Ngoài ra, gia đình cũng được sự giúp đỡ của cô Năm (chị của ba), nhà gần Trường Taberd Sài Gòn, nuôi ăn ở và học phí từ lớp nhì đến hết lớp nhứt. Hồi đó anh học sơ học (lớp 1, 2, 3) ở Phú Nhuận, lớp nhì, lớp nhứt học Trường Taberd.

Đến năm học 1960 – 1961 là năm anh lên học lớp đệ thất (lớp 6) thì gia đình gặp nhiều biến cố lớn. Cô Năm đi Đà Lạt xe bị lật đèo Bảo Lộc mất, mẹ anh đi bán bị xe xích lô đụng gãy chân, được người đi đường đưa vào nhà thương Grall điều trị. Mất nơi nương tựa là cô Năm, mẹ thì gãy chân có thể nghỉ bán dài hạn. Ba quyết định cho anh nghỉ học vì không có tiền cho anh ăn học ở trường Dòng, anh buồn vì cơ hội đi học để sau nầy làm thầy giáo coi như đã mất.

Năm học nầy, Bề trên Cyprien cũng vừa hết nhiệm kỳ Bề trên Giám tỉnh, và trở về Trường La San Taberd nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng lần thứ 2. Anh quyết định đến gặp Bề trên Cyprien xin miễn giảm học phí và trợ cấp học bổng (cuối năm tiểu học anh xếp hạng nhứt).

Trước khi gặp Bề trên, anh nghĩ khó đạt được mục đích mình mong muốn. Thú thật, hồi đó đi học bị lên văn phòng gặp sư huynh hướng dẫn (giáo viên chủ nhiệm) là đã run rồi, đừng nói chi là gặp Bề trên Hiệu trưởng, đằng nầy lại là Bề trên cựu Giám tỉnh. Các anh bậc trung học đệ nhất và đệ nhị cấp còn run, đừng nói chi anh là học sinh tiểu học.

Anh vừa run vừa sợ khi bước chân vào phòng của Bề trên Hiệu trưởng và làm rớt tờ đơn trên tay. Sau một hồi tĩnh tâm, anh đã trình bày lý do và Bề trên cầm lá đơn không đọc để trên bàn, Ngài hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, kết quả học tập và hỏi cặn kẻ mẹ anh đang điều trị ở đâu? rồi hẹn cuối tuần gặp lại Bề trên.

Sáng hôm sau, chị ba về nhà, sau một ngày nuôi mẹ ở nhà thương. Vừa bước vào nhà, chị liền kể ngay chuyện vừa xảy ra chiều hôm qua. Điều mà anh không ngờ tới và gây ấn tượng cho anh đến ngày hôm nay, đó là chiều hôm qua. Bề trên đến nhà thương thăm mẹ anh và có gởi cho mẹ anh một bao thơ (trong đó có tiền) và hứa với mẹ anh sẽ giải quyết theo đơn xin của anh. Cảm động trước tấm lòng quảng đại và nhân từ của Bề trên, mẹ anh chỉ biết khóc mà không nói nên lời. Cả nhà nghe chị ba kể đều khóc và mừng cho anh, riêng anh nước mắt chảy dài theo đôi má. Anh không ngờ Bề trên đến nhà thương thăm mẹ mình. Đêm đó, cả nhà quỳ dưới bàn thờ Chúa đọc kinh cầu nguyện tạ ơn Chúa, tạ ơn Bề trên và cầu nguyện cho mẹ mau lành bệnh.

Cuối tuần mẹ được xuất viện, cả nhà lo khoản tiền để đóng viện phí vì nhà thương Grall là nhà thương tư. Mẹ và chị hai được cô y tá người Pháp nói tiếng Việt rất sỏi, thông báo Ban giám đốc miễn viện phí, lý do Bề trên đã xin với Ban giám đốc. Một hành động, một việc làm, một nghĩa cử dù nhỏ hay lớn được thực hiện đúng lúc và xuất phát từ một tấm lòng thương người đã đem đến gia đình anh một niềm vui vô tả, một ấn tượng sâu sắc về một người thầy, một Tu sĩ Dòng, một Bề trên Hiệu trưởng. Chính việc làm đó đã hình thành nên tính cách con người anh mà tôi đã thấy khi công tác chung và cũng là bài học mà anh nhớ suốt đời hai chử “NHÂN ĐỨC”.

Mẹ anh về nhà mạnh khoẻ, anh được Bề trên cho vào học lớp đệ thất và được miễn học phí toàn phần, gia đình vui tột cùng. Niềm vui được nhân đôi, khi các anh chị của con cô Năm, thông báo tiếp tục đỡ đầu anh theo học hết bậc phổ thông và đại học, theo ước nguyện của cô Năm trước khi mất. Để đáp lại tấm lòng cao cả của Bề trên và tinh thần tương thân tương ái của các anh chị, anh đã quyết tâm học thật tốt, luôn luôn giúp đỡ bạn bè, tham gia các phong trào Thiếu nhi Thánh thể để không phụ lòng Bề trên.

Cuối năm học 1960 – 1961, Bề trên Cyprien Gẫm Trần Văn Thiên thôi giử chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung học La San Taberd Sài Gòn, về tựu chức Hiệu trưởng Trường Trung học Kỹ thuật La San Đà Lạt. Sự ra đi của Bề trên đã làm anh hụt hẫng. Suốt mùa hè anh luôn tưởng nhớ đến Bề trên và lo lắng không biết năm học mới mình có còn được tiếp tục được miễn giảm học phí hay không?

Thế rồi, năm học mới bắt đầu, anh được Bề trên Hiệu trưởng kế nhiệm thông báo, anh được tiếp tục miễn học phí đến hết năm học đệ tứ với điều kiện phải là học sinh giỏi, theo lời yêu cầu của Bề trên Thiên trước khi nhận nhiệm sở mới ở Đà Lạt.

Thật sự, anh cũng không ngờ, Bề trên trăm công nghìn việc, trước khi nhận nhiệm vụ mới cũng không quên đứa học trò khốn khổ này. Sau này mỗi lần có dịp về Sài Gòn là Ngài đều ghé trường cũ và không quên hỏi thăm anh, tình hình học tập và gia đình. Lúc đó anh có suy nghĩ không biết mình nên làm điều gì đó để đáp lại tình thương bao la của Bề trên.

Hết năm học đệ ngũ, anh có xin phép gia đình cho anh dự tu Dòng Sư huynh La San, một quyết định được cả nhà tán thưởng, nhưng ba anh cuối cùng đổi ý, không đồng ý cho anh dự tu với lý do gia đình còn nghèo, chỉ có anh được đi học và học giỏi, mong anh sau nầy thi đậu vào trường Đại học Sư phạm, ra trường đi dạy để giúp đở gia đình. Không được sự đồng thuận của ba, anh viết thơ trình bày ý nguyện của mình với Bề trên. Thơ được gởi đi Đà Lạt, mãi hai tuần không thấy trả lời, anh lo lắng hồi hộp, không biết việc gì xảy ra.

Cuối cùng, anh cũng nhận được hồi âm của Bề trên, thời gian qua bận tĩnh tâm và hoan nghênh quyết định của anh, nhưng Ngài cũng khuyên anh lắng nghe ý kiến của gia đình.

Đầu năm học mới, anh tiếp tục đi học và không dự tu Dòng Sư huynh La San, có một điều làm anh áy náy mãi, đó là suốt 4 năm Bề trên ở Đà Lạt, nhà trường có tổ chức đi du ngoạn ở Đà Lạt mà anh chưa bao giờ được đi thăm Bề trên. Mãi đến khi anh bước chân vào ngưỡng cửa trường Đại học Sư phạm là anh tức tốc xuống Cần Thơ thăm Ngài.

Sau bao năm không gặp, nay gặp lại Bề trên vào tháng 10 năm 1967 thì Ngài đã quá tuổi lục tuần (62 tuổi), nhưng Ngài vẫn còn khoẻ mạnh, lòng đầy nhiệt thành, luôn luôn dấn thân, dù tuổi tác đã cao vẫn cố gắng hoàn thành công việc xây dựng Trường Trung học La San Cần Thơ. Anh ở lại Cần Thơ đến hết tuần (4 ngày), thầy trò tâm sự những kỷ niệm dưới mái Trường Taberd, đến lúc chia tay, Ngài bảo anh cố gắng đỗ đầu khoá, để được chọn nhiệm sở Cần Thơ dạy Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ và tiếp Ngài giảng dạy Trường La San Cần Thơ. Anh hứa cố gắng học để không phụ lòng Bề trên.

Cuộc đời đưa đẩy, anh không về Cần Thơ dạy mà về Long An dạy ở quận Cần Đước (do hoán đổi tại chổ lấy tiền giúp đở gia đình). Hết năm học 1973 – 1974, anh hoán chuyển với một thầy giáo gia đình giàu có, nhà ở quận Cần Đước dạy ở Phước Long – Bạc Liêu, công tác được 1 năm thì đất nước được giải phóng, anh xin vô Ninh Thuận Lợi dạy cho đến ngày gặp tôi.

Giữa tôi và anh hình như đã được Thiên Chúa quan phòng sắp xếp cho hai đứa gặp nhau tại đây, kẻ ở Miền Đông, người ở Miền Tây cùng học một trường Dòng nhưng khác trường, khác thời điểm, nhưng có chung người thầy kính mến, quảng đại, nghiêm trang, nhân đức, suốt đời vì thế hệ trẻ, một người thầy trên thấy cả mọi người thầy, thấu hiểu được những khó khăn của từng học sinh, hiểu được ước mơ của học sinh mà vun đắp, chắp cánh cho ước mơ bay cao, đơm hoa, kết trái. Có những lúc, tôi thấy Ngài phải được về hưu dưỡng, nhưng với lòng nhiệt thành, dấn thân cho sự nghiệp giáo dục nhân bản Kitô giáo cho thanh thiếu niên, mà Ngài vẫn tiếp tục sự nghiệp phát triển Dòng, tiếp tục linh hướng của Thánh Gioan La San tại Cần Thơ.

Đầu năm 1966, Ngài gỏ cửa từng nhà của bà con nông dân để mua đất cất trường, tính cách thận trọng, dịu dàng và khôn ngoan trong giao tiếp đã giúp Ngài thành công, vừa được lòng bà con vừa hoàn thành công việc.

Ngày 12 tháng 12 năm 1966, nhân kỷ niệm Đệ Nhất Bách Chu Niên Dòng La San Việt Nam, Ngài vinh dự làm Lễ Hành Thiết Thạch (lễ đặt viên đá đầu tiên) xây dựng Trường Trung Học La San Cần Thơ và 4 năm sau đó là Trường Trung Học Kỹ Thuật La San Cần Thơ.

Tôi đã kể cho anh nghe những kỷ niệm của mình với Bề trên, và công lao của Bề trên đối với Trường La San Cần Thơ. Trong giai đoạn đầu đi mua đất, Bề trên có quan hệ với Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Tỏ Cha sở Họ đạo Dưỡng lão (nay là Họ đạo An Thạnh) cần một người nấu ăn và một gát gian kiêm lao công điều kiện phải là dân Công giáo.

Bề trên đã được Cha Phaolô Tỏ giới thiệu cho Bề trên hai vợ chồng chú Nguyễn Văn Đức và thím Bùi Thị Thuyền đang tản cư tại Cần Thơ là người gốc Phụng Hiệp. Hai vợ chồng chú được Bề trên nhận vào làm và cho ở luôn trong trường, gần nhà bếp. Gia đình chú ban đầu có 4 đứa con (Tòng, Chỉ, Giàu, Bạc) tất cả đều đi học và được Bề trên miễn học phí, sau hai vợ chồng sinh thêm 4 đứa (Triệu, Phú, Hộ, Hoa). Tôi nhớ có 1 lần nửa đêm thằng Phú bị bệnh khóc dữ đội, nghe tiếng khóc trẻ thơ, Bề trên xuống hỏi thăm và đích thân lái chiếc Renauld đưa chú, thím và thằng Phú đi nhà thương. Những người cùng quê với chú, thím khi tản cư lên Cần Thơ không có việc làm xin vào làm việc trong trường đều được Bề trên nhận vào làm như bà Sáu chồng chết nuôi bầy con vào làm lao công trong trường, anh Hai ròm trốn quân dịch được Bề trên che chở một thời gian rồi cho đi lính “con beo”…

Đối với những học sinh khó khăn về tài chính, Ngài đều xét miễn giảm học phí nhất cá nguyệt hay tam cá nguyệt. Tôi không thể kể hết việc làm của Bề trên mà tôi biết được cho anh nghe, những việc làm đầy ý nghĩa đối với nhân viên trong trường và học sinh. Tôi kể cho anh nghe những kỷ niệm của tôi với Bề trên Cả Cyprien về chuyện “chiếc áo len”.

Mùa đông năm 1968, gần ngày Lễ Giáng Sinh, bác Tư thư ký đến lớp thông báo, tôi đúng 3 giờ chiều có mặt tại phòng Bề trên và không cho biết lý do. Hồi đó ai đã từng đi học ở các Trường Dòng La San mà bị gọi lên gặp Bề trên là coi như “hẻo” vì không bị phạt hình thức này cũng bị phạt hình thức khác, vì thế tôi rất lo lắng về việc này. Đúng 3 giờ chiều, tôi có mặt tại phòng Bề Trên, tại đây, tôi thấy có khoảng 7 hay 8 bạn ở các lớp khác cũng có mặt, nói chung ai cũng sợ không dám vào trước, thôi thì đằng nào cũng vào, tôi nhè nhẹ gõ cửa phòng Bề trên. Điều làm tôi ngạc nhiên là sau khi nghe tiếng gõ cửa, Bề trên đã lên tiếng: “Huệ hả? Vào đi con!”.

Tôi thắc mắc tại sao phải là tên tôi mà không là tên các bạn khác, với một ngữ điệu rất nhẹ nhàng và trìu mến (sau này tôi mới hiểu được sự suy đoán của Bề trên là đúng!)

Phòng Bề trên trang trí rất đơn giản, ngoài bàn làm việc và 3 cái ghế, giường, tủ. Trên vách có ảnh Chúa, ảnh Thánh Gioan La San và bức chân dung của Ngài.

Tôi chào Bề trên và Ngài hỏi tôi gia đình có bao nhiêu người hãy lấy mỗi người một chiếc áo len mặc mùa đông. Tôi “dạ”, sau đó bước ra phía sau tấm màn theo hướng chỉ dẫn của Bề trên và thấy 2 kiện hàng áo len đã qua sử dụng rất lớn, nhưng còn rất mới của các cơ quan từ thiện gởi cho. Sau khi chọn xong 5 chiếc áo, Bề trên bảo tôi lấy thêm 1 chiếc cho bản thân và dặn tôi: “Con đi hết những nhà bà con chung quanh trường và dặn họ đúng 3 giờ chiều ngày Chúa nhật vào gặp Bề trên”. Đúng hẹn, tôi hướng dẫn bà con đến phòng Bề trên nhận áo. Trong lúc mọi người đang nhận áo, tôi phát hiện trong phòng Bề trên có 3 thùng đồ chơi rất lớn, trong thùng có rất nhiều hộp, mỗi hộp lớn hơn hộp phấn viết bảng với 6 món đồ chơi xếp gọn.

Sau khi bà con nhận đồ xong, tôi xin Bề trên 1 hộp cho em gái và 2 hộp cho các em Cô nhi viện Dòng Chúa quan phòng (hồi đó tôi thường xuyên vào cô nhi viện chơi với các em ngày Chúa nhật)

Sau khi nghe tôi nói xin cho các em cô nhi viện, Bề trên đã cho tôi thêm 3 hộp, tôi mong đến ngày Chúa nhật đem đồ chơi vào chơi với các em. Do các em đông mà chỉ có 5 hộp, nên tôi xin thêm và được Bề trên cho thêm 5 hộp.

Mùa đông năm 1968, mùa Giáng sinh nồng ấm của gia đình tôi, của bà con nông dân chung quanh trường và của các em Cô nhi viện Dòng Chúa quan phòng.

Tấm lòng nhân đức của Bề trên, những việc làm của Bề trên đã ảnh hưởng đến tính cách của tôi sau này, khi tôi giử chức vụ Hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở. Mối quan hệ của tôi đối với giáo viên và học sinh rất tốt. Đó là nhờ tôi noi gương Ngài trên nền tảng nhân bản Kitô giáo. - NGHIÊM TRANG – NHÂN ĐỨC – QUẢNG ĐẠI – DỊU DÀNG – KHÔN NGOAN và THẬN TRỌNG.

Anh và tôi thường xuyên trao đổi với nhau những mẩu chuyện về cuộc đời “dấn thân” của Bề Trên Cả Trần Văn Thiên. Những mẫu chuyện mà anh em tôi đã kể ra, chỉ là số ít, chúng tôi còn rất nhiều chuyện để nói về Bề trên.

Thắm thoát mà đã gần nữa thế kỷ, thời gian trôi qua nhanh nhưng những kỷ niệm của hai anh em tôi nói riêng và bà con nói chung đối với Bề trên thì vĩnh viễn vẫn không mờ phai.

Năm 1974, Tỉnh Dòng có dự án cho xây dựng lại một cơ sở của Dòng ở Vũng Tàu tại Bãi Sau (ngã ba Phan Châu Trinh – Thuỳ Vân gần tượng Chúa Giêsu Kitô, nay là Khách sạn Sơn Thịnh) thành một trung tâm nghĩ dưỡng và hội họp của các Sư huynh và học sinh Dòng La San Việt Nam, Tỉnh Dòng La San Thái Lan, Tỉnh Dòng La San Cambodia, và được gợi ý đặt tên là “Biệt thự Văn Thiên” để tưởng nhớ công lao to lớn của Bề trên đối với Dòng. Rất tiếc dự án chưa được thực hiện thì Miền Nam được giải phóng, kế hoạch không thực hiên được.

Trong quá trình tìm tư liệu viết cuốn BIÊN NIÊN SỬ TRƯỜNG TRUNG HỌC LA SAN CẦN THƠ, tôi nhận được tin Ngài đã vĩnh viễn rời xa chúng ta về với Chúa. Ngài mất vào ngày thứ ba, 15 tháng 6 năm 1993, nhằm ngày 20 tháng tư năm Quý Dậu (ngày Đinh Mão, tháng Quý Tỵ, năm Quý Dậu).

Cầu xin Chúa trả công bội hậu cho Ngài, Bề Trên Cả Cyprien Gẫm Trần Văn Thiên, một người thầy, một người cha, một người anh Cả của Dòng đã dày công vun đắp Dòng La San Việt Nam, Trường La San Taberd Sài Gòn, Trường La San Kỹ Thuật Đà Lạt, Trường La San Cần Thơ.

Người đã giáo dục bao thế hệ trẻ học sinh chúng con, sống noi gương Người, có ích cho Giáo Hội, cho Dòng và cho đời. Người đã dạy chúng con sống cho phải đạo làm con đối với Chúa, với ông bà, cha mẹ, thầy cô.

Chúng con, xin cảm ơn Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét