Bài viết dự thi "Mái Trường La San Thân Yêu" số 12 của tác giả Vương Hữu Thái, tựa đề "Những Ngày Tháng Trung Học Đầu Tiên"
Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nhận bài dự thi, xin gửi về info@lasan150.org hay webls150@gmail.com
NHỮNG NGÀY THÁNG TRUNG HỌC ĐẦU TIÊN
Vương Hữu Thái
Tôi còn nhớ cách đây mấy chục năm có ghi dòng lưu bút vội vàng vào tập vở một đứa bạn làm Trưởng lớp:
Này bạn nhỏ của tôi
Có nhiều điều muốn nói
Bên ngày tháng êm đềm
Dưới mái nhà êm ấm…
Còn vài hàng nữa nhưng quên mất, nay tôi muốn ghi thêm:
Trong khoảng khắc nhìn lại
Thấy đời đã xanh rêu
Hiện tại những cảm nhận còn sâu thẳm hơn:
Tôi nhận cái này đã từ lâu
Bây giờ nó tới dẫu hơi mau
Đã không tránh khỏi thì tôi tiếp
Một cách đau thương nhưng ngẩng đầu
Hàng
thơ trên thì vô tư quá, hàng thơ dưới có chút gì hoài niệm từ đầu môi,
có chút gì bâng khuâng tiếc nuối trong cái không gian mình đang nương
náu, và thời gian thì gần gũi nhưng lại quá xa rời. Thường thì cái mình
tiếc nuối là cái đã đi xa không tìm lại được. Và ở đây ký ức luôn là
hành trang chất chứa những hoài niệm, những suy tư và mộng tưởng thuộc
về cái cũ, cũng chính nhờ thế mà cuộc đời tôi mới thêu dệt được những
ước mơ dẫu rất bình thường, nhưng luôn bất ngờ…Còn mái nhà êm ấm chính
là mái trường LaSan thưở nào đầy ắp những kỷ niệm và yêu thương, cũng là
những gì tôi đang tiếp tục, với cảm giác bâng khuâng lạ thường…
&
Giã
từ 6 năm học từ Mẫu Giáo đến lớp Năm tại trường tiểu học LaSan Lam Sơn
Ban Mê Thuột, tôi lại chuẩn bị theo học tiếp tại trường Trung Học LaSan
Kbuôn( hay LaSan Đồi) dù rằng tại thị xã vẫn có nhiều lựa chọn cho những
trường khác, mà cụ thể hơn là của gia đình vì đó chính là tác động mạnh
mẽ lên bản thân mỗi người học trò. Ngày đó cầm tờ “Thông Tín Bạ” có
đóng dấu “ ĐƯỢC LÊN LỚP” ở cuối trang bìa với chữ ký của Sư huynh Hiệu
Trưởng Vinh hay ViTal Quang (?) lòng tôi chợt chộn rộn hẳn lên bởi sang
năm tới tôi sẽ là cậu học sinh trưởng thành hơn khi đặt chân vào ngưỡng
cửa Trung Học Đệ I Cấp. Ở mỗi cấp học luôn là những chân trời mới, những
động lực mới mà với học sinh chúng tôi đó là quãng đời kỳ diệu thật sự
khó diễn tả nổi. Đánh dấu ngày cuối còn lại khối lớp Năm đã có buổi thi
đấu Túc Cầu mà kết quả lớp tôi đã bị thua, sau đó chúng tôi ăn liên hoan
tạm biệt vì kỳ hè đã đến, mỗi đứa mỗi ngả và có thể là khó gặp lại nhau
vì gia đình đi nơi khác…
Thời
Tiểu Học suốt 3 tháng hè là quãng thời gian rong chơi, không có việc
học thêm. Nếu là con nhà nông thì lên rẫy phụ việc, hoặc với nhiều đứa
là phụ việc vặt hay mưu sinh trong gia đình. Riêng tôi nhà ở góc phố,
gia đình công chức nên không vướng bận việc gì, tôi nhớ những buổi chiều
cùng mấy đứa bạn đi bộ dạo chơi xuống phố, đến góc rạp LODO xem những
tấm panô quảng cáo chiếu phim Ringo, Jango( cao bồi Mỹ) hay kiếm hiệp
Tàu, hiệp sĩ mù( Nhật) với màn đấu kiếm nhanh như chong chóng, rồi xin
tờ Progam( chương trình) mang về nhà sưu tập từng xấp( để làm
collection) cũng như để thi thố với bè bạn mỗi khi nhắc đến phim ảnh.
Bên hông trái của rạp có ông Tàu đeo cái cạp dề trắng trước ngực chuyên
bán gỏi đu đủ, tay cầm cái kéo bự sấp sấp cắt Bò khô, gan…pha một chút
nước mắm ớt xay làm thổn thức bao tâm hồn trẻ thơ. Hồi ấy tôi ít được Bố
Mẹ cho tiền nên có khi đi ngang đành đứng lại trong giây lát mà cố
nhịn cho qua…Rồi cũng có những chủ nhật sau lễ ở lại sinh hoạt chung với
các anh chị lớn tại nhà thờ Chánh tòa, trong đó có nhiều học sinh LaSan
và đây là những sinh hoạt hoàn toàn có nhiều lợi ích mang tính cộng
đồng cho tuổi trẻ trong tháng hè.
Thế
rồi cái ngày trọng đại ấy cũng đến, tôi đã háo hức dậy thật sớm để
chuẩn bị từ bộ đồng phục, sách vở rồi cặp…mới toanh dù đã xếp cẩn thận
từ tối qua. Tôi vẫn nhớ như in cái tiếng reng reng chuông điện vang dội
báo hiệu giờ xếp hàng chào cờ đã đến, sau đó Sư Huynh Hiệu Trưởng Julès
Nguyễn Chí Hòa đã có lời nhắn nhủ học sinh trong năm học mới 1970- 1971,
kế tiếp chúng tôi được Frère Constant( có thể như vậy ) dáng cao gầy
và cận thị nặng - Giám Học Đệ I Cấp hướng dẫn vào nhận lớp.
Lớp
6A1 học ngay tầng trệt, cách quãng với quày bán hàng ăn dưới tán gốc Đa
cổ thụ xum xuê. Tôi nhận ra những nét khác biệt nếu so với hồi học Tiểu
học như là: không đọc kinh Lạy Cha chung toàn trường buổi khai giảng mà
chỉ đọc khi vào nhận lớp, mỗi người ngồi một bộ bàn ghế riêng biệt có
hộc chứa sách vở dưới chỗ ngồi, sau này tôi nghe nói ở LaSan Đồi mới có
kiểu bàn học này mà lẽ ra chỉ ở Đại Học mới có, không biết thực hư ra
sao? khác biệt nữa là bậc Trung Học mỗi môn học dược dạy bởi một vị Giáo
sư( hồi ấy dạy Tiểu học được gọi là Giáo Viên, dạy Trung Học trở lên
gọi là Giáo sư)..
Lớp
tôi do Frère Pierre nói giọng Nam lơ lớ ước chừng 30 tuổi phụ trách
hướng dẫn kiêm dạy môn Anh Văn , Frère có dáng lùn nước da trắng trẻo và
tính tình nghiêm khắc không biết nói giỡn. Năm đó Pháp Văn cũng được
dạy bởi một Frère và năm sau thì bãi bỏ. Trong hai ngày đầu cả lớp được
giới thiệu lần lượt giáo sư dạy các môn như : môn Toán do Cô Hương dạy,
môn Quốc Văn do thầy Trương Văn Trúc( chủ tiệm sửa xe máy đường Yjút ),
môn Lý Hóa do Frère Hoài dạy…và nhiều thầy cô khác tôi đã quên mất tên.
Hồi ấy bộ sách giáo khoa đều do tư nhân biên soạn rồi các trường được
tự do lựa chọn lấy, chứ sách của Bộ Giáo Dục rất ít, chẳng hạn LaSan
Ban Mê Thuột chọn Anh Văn là bộ sách English For Today của Lê Bá Kông ,
Quốc văn của Đỗ Văn Tú, bộ Lý Hóa của nhà xuất bản Á Châu…trong đó mỗi
tác giả và nhà xuất bản đều có những ưu nhược điểm khác nhau nên được bổ
sung khi mỗi kỳ tái bản, ngoài ra tôi còn nhớ đến năm 1972 Nhà Xuất Bản
LaSan ra đời cũng có tham gia biên soạn bộ sách Lý Hóa sử dụng trong hệ
thống LaSan toàn quốc…Một điểm nữa là có hiện tượng học sinh nghèo
thường mua lại sách giáo khoa cũ của lớp trước sử dụng, ngoại trừ những
sách phải cập nhật hóa theo quy định và chúng tôi cũng thường xuyên bị
kiểm tra việc gìn giữ sách vở như một hình thức kỷ cương trong khuôn khổ
học đường
Nhìn
chung các môn học Đệ I Cấp nhằm mục đích giúp học sinh có những khái
niệm căn bản hoặc tổng quát về các môn học có tính chất khoa học và nhân
văn, mà phần mở rộng sẽ ở Đệ II Cấp . Hai lớp 6 năm đó chỉ có 3 Frère
dạy học, ngoài ra đều do các thầy cô từ các trường khác vào dạy , chắc
Frère Pierre hiểu sự thắc mắc vì sao có ít Frère dạy học như vậy ? nên
trong giờ Giáo Lý cuối tuần Frère đã giải thích rằng đó là việc thiếu
hụt nhân sự trong hệ thống trường LaSan toàn quốc, và nhà Dòng đang
phải nỗ lực tìm kiếm ơn gọi và huấn luyện các sư huynh tương lai để đáp
ứng các yêu cầu này ,và dịp đó Frère đã cho chúng tôi xem tài liệu nhỏ
đề cập đến hoạt động của Tỉnh Dòng tại Việt Nam, trong đó đã bước đầu
hình thành đào tạo nữ tu LaSan ,mà chúng tôi đoán rằng sau này sẽ có
trường học chuyên biệt dành cho nữ sinh LaSan tương tự như trường nữ
Công Giáo Thiên phước ở Sài Gòn ( từ niên khóa trước LaSan Ban Mê Thuột
đã bắt đầu thu nhận nữ sinh).
Khoảng
4 tháng sau có sự thay đổi về thầy dạy như: Thầy Hảo thay Thầy Trúc dạy
môn Quốc Văn , khi đó thầy Hảo tạm nghỉ năm thứ 3 Văn Khoa Sài Gòn vì
lý do gia cảnh để về đây thử sức với kiến thức thu nhận ở giảng đường
đại học. Môn Văn có phần trích giảng các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn,
mà Khái Hưng là tác giả tôi yêu thích nhất, và Thầy Hảo có lúc say sưa
giảng giải về tác phẩm “Nửa Chừng Xuân”, đây là đề tài gây nhiều tranh
cãi trong lứa tuổi tôi lúc giờ ra chơi bởi lần đầu chúng tôi tiếp cận
với những từ ngữ qua cách dạy của thầy về tình yêu đôi lứa với tình tiết
giận hờn yêu thương…lẽ ra phải dời lại ở vài năm sau. Rồi môn học này
lại được anh Huỳnh Tấn Tạo – một nhân viên văn phòng chưa qua sư phạm-
thay thế và với lối dạy khô khan, anh chưa thực sự lôi cuốn học sinh
trong môn học lẽ ra là khá hấp dẫn này.
Sở
dĩ tôi không gọi là “Thầy” vì Anh Tạo chính là Đoàn Trưởng Hùng Tâm
Dũng Chí LaSan- lần đầu tổ chức tại trường- và số huynh trưởng nòng cốt
thuộc các lớp 10-11, khối lớp 6 có 15 bạn tham gia. Phụ trách Đoàn là
một Frère rất trẻ khoảng 23 tuổi- có lẽ trong giai đoạn tập sinh của
Dòng- tôi nhớ đó là Frère Trần Anh Tú. Đoàn Hùng Tâm LaSan đội mũ
berets, đồng phục quần sort, giày Bata, áo trắng khăn quàng xanh…
Lời chào: Nhất Trí , Đồng Tâm
Khẩu Hiệu: Với Hùng Tâm không gì khó /Cái để thắng càng khó càng hay.
Về
cách huấn luyện đoàn sinh cũng có điểm gần giống như đoàn Hướng đạo
như học: morse, thắt nút dây,vượt chướng ngại vật…phổ biến nhất là các
kỳ cắm trại với trò chơi lớn, đi tìm mật thư, nhắn tin cấp bách…nhưng có
điều chắc chắn là vẫn thua xa cách huấn luyện của Hướng Đạo vì Hùng Tâm
sinh hoạt trong phạm vi đoàn thể Công giáo. Tôi nhớ trong năm ấy Đoàn
Hùng Tâm được giao phụ trách gian hàng trò chơi “ném lon” của LaSan
trong kỳ Hội Chợ Triển Lãm tổ chức tại trường nữ Trung học Vinh Sơn,
trong khuôn khổ “Tuần Lễ Sinh Hoạt Học Đường Công Giáo”- tổ chức lần thứ
2 - trong ngày khai mạc chính Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai đã đến ném
một lượt 5 trái banh nhựa nhưng chỉ rơi có 3/5 lon thiếc, như vậy không
đạt kết quả . Các đoàn viên đã làm hàng rào danh dự và giữ trật tự suốt
thời gian tổ chức , thật là vinh dự khi nhiều học sinh và quan khách đã
vào thăm gian hàng Lasan!. Không khí thi đua các hoạt động văn hóa, thể
thao, sinh hoạt…giữa các trường công giáo luôn sôi nổi và tạo nhiều niềm
phấn khích cũng như hy vọng vào tương lai giới trẻ trong giai đoạn hậu
công đồng Vaticanô II, nhưng rất tiếc đây cũng là lần tổ chức cuối cùng
của giáo phận Ban Mê thuột, chắc có lẽ vì lý do kinh phí và quy mô tổ
chức, thật tiếc! Ngoài ra Đoàn Hùng Tâm LaSan còn gắn kết sinh hoạt vào
sáng chủ nhật hàng tuần tại Nhà thờ Chánh Tòa. Ấn tượng nhất là kỳ Cắm
trại- Huấn Luyện tại LaSan Đồi bao gồm nhiều trò chơi lớn, buổi tối ngủ
đêm tại giảng đường lầu 3 có phần thắp nến sinh hoạt, hát nhiều bài cộng
đồng kể cả thánh ca…có chị Bích – huynh trưởng cấp giáo phận tham gia,
tôi vẫn nhớ tâm tình tha thiết và tin yêu buổi tối hôm đó do Frère Tú
hướng dẫn, và một loạt các anh lớp trên thật sôi nổi trong các trò chơi
tập thể .
Cuối
năm Hùng Tâm LaSan không còn hoạt động và cũng năm sau đó Frère Tú đổi
đi nơi khác, rồi lại có tin Frère đã gia nhập quân ngũ.Thật nhớ Frère
vì tính cách trẻ trung, khiêm tốn và hay tâm sự nhỏ to với các đoàn
viên, tôi nghĩ Frere sẽ thăng tiến trong tương lai với vai trò là nhà
giáo dục trẻ và cho người trẻ… Hai bạn huynh trưởng thuộc khối lớp 6 là
Hoàng Mạnh Thắng và Trần Thanh Phong thật nhiệt tình, năng nổ và ăn nói
nhẹ nhàng như “con gái”, cho dù là con nhà quyền thế, đi học có xe Jeep
đưa đón.Hai bạn có phong cách chững chạc hơn các bạn cùng lớp, mà tôi
gọi là “công tử bột” nhưng dù gì cũng tạo một âm hưởng nhất định trong
tính cách đa dạng của lớp tôi, hai bạn đã học cho đến tận năm lớp
10,tức là năm 1975 và thật tiếc vì bặt tin hai bạn từ ngày ấy ? .
Một
môn học mới được đưa vào chương trình là môn “Tân toán Học” gồm các ký
hiệu tập hợp a, b, c, d,e,f, h, r…rồi các vòng tròn tập hợp…khá phức tạp
khiến nhiều học sinh phải đau đầu vì chương trình Toán học bỗng trở nên
nặng nề , đây là sáng kiến của Ủy Ban soạn thảo thuộc Bộ giáo dục, mô
phỏng theo lý luận của Hội các nhà Toán Học Pháp(?) được giảng dạy cùng
với môn Hình Học và Đại Số, tôi nhớ là về sau môn này không còn duy trì
nữa trước nhiều luồng ý kiến trái chiều.Ở hai lớp 6-7 môn này do thầy
Tường(chúng tôi đặt biệt danh là LuckyLucke) giảng dạy.
Dù
thời gian đi qua đã quá lâu tôi vẫn không quên những buổi sớm mai theo
thói quen dậy sớm ôn bài, sau đó nhúm lửa nấu nước nóng pha từ hộp sữa
hiệu Con chim( Nestlé) hay Ông Thọ( Longevity) một ly nóng hổi, rồi có
lúc là cơm chiên, cơm hâm…do Mẹ tôi làm. Sau đó tôi đi bộ vòng vòng đến
trước tiệm vải Phúc An trên đường Quang Trung, là nơi học sinh LaSan
tập trung để đón chuyến xe buýt thứ nhì lúc 7g15, trong khi chuyến đầu
tiên chở học sinh từ các nơi xa xôi như Hòa Bình, Cây số 5, Cây số 3,
Đạt Lý, Duy Hòa… đó là các lộ trình ấn định cho 2 chiếc xe buýt của
trường, ngoài ra số đông khác đi bộ, xe đạp, đi xe gắn máy, xe
Lambretta, xe nhà binh, xe hơi riêng … trông như bầy chim bay về tổ với
muôn màu muôn vẻ. Khi ấy Frère Salomon quản lý và thầy Trần Cường điều
phối các hoạt động này.
Nơi
trạm Phúc An phía bên kia đường có xe bánh mì thịt “Mai Vân” nổi tiếng
ngon nhất thị xã, với cách trưng bày treo những cây patê thịt, patê gan
rồi bơ, phomát, giò chả…khiến bất cứ ai đi ngang cũng đủ phát thèm, chứ
chưa nói đến ăn thì ngon đến cỡ nào, nhưng có điều …giá đắt hơn nơi
khác, đúng là “ hàng hiệu” có khác! Mà học sinh thường tìm cách cắt giảm
tiền quà sáng cha mẹ cho để làm nhiều việc khác như xem xinê, đọc
truyện, ngao du với bạn bè…Những chuyến xe buýt LaSan đi qua Đại Lộ
Thống Nhất với hai hàng cây Sao cổ thụ cao lớn thơ mộng nhất thị xã, ở
đó những chiếc lá rụng bay bay vào buổi sớm mai khi giọt sương lung linh
còn phảng phất đâu đó,…là con đường đẹp nhất với nhiều bóng dáng tà áo
học trò đi qua hàng ngày , là nơi có nhiều tòa nhà công quyền và khi đến
đầu dốc trường Hưng Đức đã nhìn thấy mái trường ngói đỏ LaSan hiện ra
sừng sững nơi ngọn đồi cao. Tiếp đến là các địa danh như cổng số 1,cổng
số 2, và khi qua cây cầu lớn mà tôi quên tên là chiếc xe buýt phải quẹo
trái để leo con dốc thường gọi là dốc 1 vì có độ dốc lớn, nếu trời mưa
thì phải leo dốc 2 gần đó, còn dốc 3 để tránh trơn trượt khi mưa lớn.
Đến năm 1973 thì dốc 1 được ủi và tráng nhựa nên mọi sự đi lại được dễ
dàng hơn, tôi nhớ mỗi phụ huynh đã đóng 300 đồng để làm quỹ hoàn thành
con đường này.
Bắt
đầu lên trung học tôi phải làm quen với 2 kỳ thi là đệ I và đệ II cá
nguyệt tổ chức vào tháng 12 và tháng 5 đế tính điểm lên lớp. Ở lớp 6 mỗi
khi phát “Thành Tích Biểu” tôi thường xếp hạng từ 12 đến 17, nhưng
không hiểu sao đến kỳ thi đệ II năm ấy tôi lại xếp thứ 2, mấy đứa bạn
túm lại chọc quê chắc đi thi mang theo tài liệu, nhưng thật sự là tôi
may mắn vì học “ trúng tủ” đó chứ! Cũng đúng lúc này Frère Pierre báo
tin sắp đổi đi nơi khác và còn nữa các Frère cũng như thầy cô sẽ rời
khỏi đây, mà như vậy thì buồn quá… nhưng nhờ như thế mà chúng tôi mới
biết đến sự lưu luyến và nỗi mất mát thường xảy ra trong cuộc đời.
Ngày
tháng trung học đầu tiên thật dễ thương , êm đềm. Các Frère tuy nghiêm
khắc nhưng cũng dễ thông cảm, các thầy cô thường phải dặn dò chúng tôi
đủ điều, còn các bạn …Ôi! quá nhiều kỷ niệm…
Đó
là quãng thời gian báo hiệu mùa hè đã đến, lớp tôi có chuyền tay nhau
viết lưu bút với những dòng chữ mộc mạc nghĩ đến đâu viết đến đó như :
“cứ viết để nhớ”, “cứ nhớ nhau nhé”, “ tạm biệt bồ, năm tới Bố mình phải
đổi đi Pleiku, nên tớ cũng tạm biệt BanMê”, “mới đó mà mùa hè đến nhanh
thật”…Ôi thật nhiều lắm những niềm vui rạo rực tựa như đóa phượng đỏ ối
nở rực ở góc sân trường, và cũng nơi ấy trong mùa hè đã gần kề ngay bên
tôi lại gặp anh Nguyễn Hà Phan lớp cuối 12 và từng là huynh trưởng đang
ngồi ủ rũ, tôi đến bên cạnh hỏi có gì buồn vậy? thì anh kể rằng sắp
lên đường du học Canada sau khi bổ sung bằng tú Tài II, ngày trước anh
thường ấp ủ mai rày sẽ phải đi khỏi cái xứ Ban Mê này, để vươn vai đến
chân trời rộng lớn hơn..nay điều ao ước sắp thành hiện thực thì anh lại
thấy quá buồn…buồn lên muốn khóc. Còn tôi chợt thấy tự dưng lại buồn vì
không còn thấy anh nữa ít nhất là trong tương lai, và nhớ những lần anh
tập hát cho chúng tôi trong đoàn Hùng tâm LaSan , trong đó có bài hát
mà chắc hẳn thế hệ ngày ấy còn nhớ như vầy “…này bạn vui mà muốn tỏ ra
thì đập đôi tay( bộp bộp) / này bạn vui mà muốn tỏ ra mà lòng bạn xôn
xao cho tôi biết lòng bạn vui mà muốn tỏ ra thì đập đôi tay( bộp bộp)…”
Ôi!
Mùa hè rả rích tiếng ve kêu và những cơn mưa vần vũ nơi miền cao nguyên
đất đỏ buồn muôn thuở… Nhưng dù gì ở đó cũng có LaSan trung học và vẫn
còn thời gian để nối tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét