17/2/14

Trường Bắc Trang

Để chào mừng kỷ niệm 150 La San Việt Nam (1866 - 2016) một trong những điều Tỉnh Dòng quan tâm là đọc lại lịch sử hình thành nên Tỉnh Dòng Việt Nam. Đọc lại lịch sử các trường La San cũng nằm trong tiến trình đọc lại lịch sử La San Việt Nam.
Nay chúng tôi xin giới thiệu những thông tin mới cập nhật thêm về trường Bắc Trang, một trong những trường đầu tiên của các Sư huynh ở Việt Nam.

Kỷ Niệm 150 Năm Các Sư Huynh La San
Phục Vụ Giáo Dục Tại Việt Nam
 

Trường Bắc Trang – Trà Vinh[1] - 1868
Vào khoảng cuối năm 1867, ông Thống Đốc nghĩ tới việc giáo dục dành cho người Khơme đã trở thành thần dân nước Pháp. Ông quyết định lập một trường học đặc biệt dành riêng cho họ tại Bắc Trang, Trà Vinh dưới sự bảo hộ của ông thanh tra đặc trách vùng đó.
Việc điều khiển trường được giao cho sư huynh Ayder và hai sư huynh phụ tá là Sư huynh Isaire và Sư huynh Aimare.
Các sư huynh đến Bắc Trang ngày 5 tháng Ba năm 1868. Buổi đầu rất gian nan. Không có gì sẳn sàng cả. Họ trú ngụ tạm một nơi và nhanh tay ra công dựng mấy chòi tranh làm phòng  học. Khi các phòng học tạm xong, các sư huynh đã khởi đầu ngay việc dạy dỗ với số học sinh khoảng chừng 30 em đến từ các làng lân cận. Thiếu sách vở và không biết tiếng Khơme là nguyên nhân tạo ra nhiều khó khăn.
Các sư huynh không phải than trách nhiều về hạnh kiểm và sự chuyên cần của các bạn trẻ Khơme. Các em không ham thích hiểu biết qua học hành nên việc học không lấy gì làm phấn khởi lắm.
[…]
Vào năm 1869, việc ăn ở của các sư huynh tại Bắc Trang được cải thiện đôi chút. Nhà cửa được sửa chữa lại khá rộng rãi nhưng vẫn ẩm ướt. Các phòng học lợp bằng lá và quá chật hẹp. Học sinh vào khoảng 70 – 80 em được «quan chủ tỉnh» gởi đến học. Trường không mở nội trú, nhưng học sinh thường xuyên lưu lại tại trường. Chúng tự nấu ăn và ngủ trong các căn nhà lá được dựng riêng cho chúng. Những ngày nghỉ lễ, chúng trở về gia đình và chuẩn bị thực phẩm dự trữ như gạo cơm cá mắm.
Theo lời yêu cầu của sư huynh hiệu trưởng, nhà cầm quyền cấp phát cho mỗi học sinh 3 f/tháng  để chi dụng cho việc mua tập sách và quần áo.
Học sinh Khơme, so với ban đầu, đã lần hồi thay đổi trông thấy. Chúng rất nhạy cảm với phương pháp thi đua, và chỉ một thời gian ngắn chúng trở nên chăm chỉ và cần cù.
Cuộc thăm viếng của thủy sư đề đốc Ohier
Trong một chuyến công du Miền Tây (mà người Pháp bấy giờ gọi là sang Campuchia), Thủy sư  Đề đốc Ohier có dịp ghé thăm trường Bắc Trang. Ông chứng kiến được sự tiến bộ của các học sinh khi ông cho tất cả chúng đọc to lên và hỏi chuyện chúng bằng tiếng Pháp. Ông rất hài lòng về những kết quả đạt được và trao tay sư huynh hiệu trưởng một món tiền tương đối khá quan trọng, như là phần thưởng, để phân phối zcho các học sinh.
Vào cuối năm, viên quan cai trị tổ chức một kỳ thi và gởi các bài thi cùng bản báo cáo lên cho ông giám đốc nội vụ.
Đóng cửa trường Bắc Trang
Trường Bắc Trang mang lại khá nhiều kết quả tốt đẹp. Vừa triển khai việc dạy học Pháp ngữ, các sư huynh lại vừa cố gắng giúp soi sáng cho các học sinh mình thấy rõ về những điều dị đoan trong truyền thống thờ kính của dân tộc chúng (!). Việc đọc kinh trong lớp (rất thường trong các trường đạo Công giáo) là không bắt buộc. Các sư huynh cũng xử sự rất tế nhị để tránh mặc cảm nơi học sinh, mà đa số là tín đồ Phật giáo Tiểu thừa, khiến chúng có thể trốn học bỏ về nhà.
Các thiếu niên Khơme thường được nghe nói về sự tráng lệ và những công trình xây dựng của Sài Gòn, thủ đô Nam Kỳ, nên chúng mong mỏi và ước ao được đi thăm viếng. Chúng rất thích thú khi được các sư huynh hoặc các ông phủ đưa đi tham quan. Một số trong bọn trẻ cũng được dẫn tới thăm nơi làm việc của ông Giám đốc nội vụ. Ông ta rất thích thú được nói chuyện bằng tiếng Pháp với chúng. Có một lần vua Norodom (cha của N. Sihanuck) đến Sài Gòn, hai học sinh trường Bắc Trang được mời làm thông ngôn. Ông Thống đốc rất hài lòng về bộ điệu khôn ngoan trong khi chúng thi hành phận vụ.
Nhưng có nhiều lý do khiến phải đóng cửa trường Bắc Trang:
  1. Thiếu lương thực: Có một thời gian, nhà cầm quyền quân sự duy trì một đồn canh tại Bắc Trang.  Các sư huynh (bấy giờ đều là Pháp) được bán cho các khẩu phần thịt và bánh mì. Khi quân Pháp rút đi, các sư huynh không còn mua được những thực phẩm Âu châu. Thực phẩm được bày bán tại các chợ Việt Nam không thích hợp với khẩu vị và cũng rất khó tiêu hóa đối với dạ dày người Âu châu (!).
  2. Khó khăn trong việc thực hiện bổn phận thiêng liêng của tu sĩ:  Vì Bắc Trang không có các linh mục truyền giáo đến, vì thế mỗi tuần 2 lần vào thứ Năm và Chủ nhật, các sư huynh phải đi Mặc Bắc (cách khoảng từ 2 đến 6 giờ đi ghe tùy theo thuỷ triều lên xuống) để có thể tham dự thánh lễ. Nếu gặp con nước xuôi, chuyến đi thực hiện dễ dàng, nhưng con nước ngược thì thật phiền toái vì trễ nãi và vì sự bực bội của những lái đò lấy từ các đội dân quân bản địa được nhà cầm quyền biệt phái đến.
Vào ngày 18 tháng Tám năm 1871, trường Bắc Trang phải đóng cửa. Về vụ này ông giám đốc nội vụ có một văn thư gởi Sư huynh Giám tỉnh như sau:

Sài Gòn, ngày 21 tháng Tám năm 1871
Kính ông hiệu trưởng,
Tôi hân hạnh báo tin cho ông hay là do quyết định đề ngày 18 tháng này của ông thống đốc, trường Bắc Trang do các Sư Huynh Trường Kitô điều hành đã được đóng cửa .
Tôi xin yêu cầu ông đảm bảo việc thi hành quyết định này trong những gì liên quan đến phận việc ông.
Xin nhận  vv …
                                                                      Giám đốc Nội vụ
                                                                         Ký tên: Piquet





[1] Ghi chú: Sư huynh Gustave Đức đã có công nghiên cứu tìm hiểu về địa danh Bắc Trang trong suốt thời gian từ cuối năm 2013 – đầu năm 2014. Chúng tôi đã đến tại nơi này và tìm hiểu được như sau: Địa danh Bắc Trang tại Tỉnh Trà Vinh nằm dọc bên bờ sông Hậu. Về hành chánh nay là ấp Dầu Đôi, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Dân chúng ở đây vẫn gọi họ là dân Bắc Trang, địa danh Bắc Trang vẫn còn lưu hành trong dân gian đến độ trên đường tỉnh lộ 27 bảng chỉ đường ghi về Bắc Trang; tại bến đò ấp Dầu Đôi và chợ An Quảng Hữu, bảng giới thiệu tuyến xe được ghi là Chợ Bắc Trang – Sài Gòn.
Cách bến đò Bắc Trang vài trăm mét có một con rạch đi sâu vào đất liền có thể đến tới chợ An Quảng Hữu. Từ bến đò theo con lộ đến ngã ba của quốc lộ 54 đi Bắc Trang và Trà Cú khoảng 8km, từ đó đi lên ngã tư Cầu Quan – Tiểu Cần và quốc lộ 54 khoảng 11km và từ đó vào nhà thờ Mặc Bắc (một nhà thờ được xây dựng phỏng theo nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, khuôn viên rộng rãi, có hai tượng của hai thánh tử đạo Việt Nam là Philiphe Minh và Mattheu Gẫm)


MỘT SỐ HÌNH ẢNH

 
Bến Đò Ấp Dầu Đôi - Gọi là Bắc Trang


Cánh đồng với những cây Thốt Nốt - đị danh Bắc Trang


Chùa Leng ngay ngã ba


Con rạch từ sông Hậu đi vào_chợ Bắc Trang

   


Địa danh Bắc Trang


Ngã ba Trà Cú Bắc Trang

 
Nhà thờ Mặc Bắc_Cầu Quan
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét